Hướng dẫn ôn tập kiểm tra giữa học kì II môn Ngữ văn 6

27/02/2023

 

Đề tham khảo số 1

Phần I (6.0 điểm).

Đọc kĩ bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

MẸ ỐM

1. Mọi hôm mẹ thích vui chơi,

Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu.

Lá trầu khô giữa cơi trầu,

Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay.

5. Cánh màn khép lỏng cả ngày,

Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa.

Nắng mưa từ những ngày xưa,

Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan.

9. Khắp người đau buốt, nóng ran,

Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm.

Người cho trứng, người cho cam,

Và anh y sĩ đã mang thuốc vào.

13. Sáng nay trời đổ mưa rào,

Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương.

Cả đời đi gió đi sương,

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.

17. Mẹ vui, con có quản gì,

Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca.

Rồi con diễn kịch giữa nhà,

Một mình con sắm cả ba vai chèo.

21. Vì con mẹ khổ đủ điều,

Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn.

Con mong mẹ khỏe dần dần,

Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say.

25. Rồi ra đọc sách, cấy cày,

Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…

(“Bờ sông vẫn gió” – Trần Đăng Khoa, NXB Giáo dục, 1999)

(Từ câu 1 đến câu 7, học sinh lựa chọn và ghi lại một phương án đúng vào giấy kiểm tra)

Câu 1. Trong bài thơ trên, có bao nhiêu từ láy?

A. Một từ B. Hai từ C. Ba từ D. Bốn từ

Câu 2. Câu thơ nào dưới đây thể hiện trực tiếp tình cảm của người con với mẹ?

A. Người cho trứng, người cho cam B. Con mong mẹ khoẻ dần dần

C. Vì con mẹ khổ đủ điều D. Mẹ là đất nước tháng ngày của con

Câu 3. Bài thơ “Mẹ ốm” khác với bài thơ “Lượm” (Tố Hữu) ở điểm nào?

A. Kể lại sự việc B. Miêu tả sự vật

C. Lời kể ở ngôi thứ nhất D. Bày tỏ tình cảm với hình tượng thơ

Câu 4. Trong câu thơ “Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay”, tại sao từ “Kiều” lại được viết hoa chữ cái đầu tiên?

A. Vì từ “Kiều” nằm ở vị trí đầu câu B. Vì từ “Kiều” được viết hoa tu từ

C. Vì từ “Kiều” là danh từ riêng D. Vì từ “Kiều” là danh từ chung

Câu 5. Trong bài thơ trên, khổ thơ nào dưới đây không có yếu tố miêu tả?

A. Khắp người đau buốt, nóng ran,

Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm.

Người cho trứng, người cho cam,

Và anh y sĩ đã mang thuốc vào.

B. Mọi hôm mẹ thích vui chơi,

Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu.

Lá trầu khô giữa cơi trầu,

Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay.

C. Sáng nay trời đổ mưa rào,

Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương.

Cả đời đi gió đi sương,

Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.

D. Rồi ra đọc sách, cấy cày,

Mẹ là đất nước, tháng ngày của con…

Câu 6. Thông qua phép so sánh trong câu thơ cuối: “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con …”, nhà thơ muốn gửi gắm tới chúng ta điều gì?

A. Mẹ là đất nước, là tháng ngày của con.

B. Mẹ được ví như cội nguồn, là vẻ đẹp của quê hương xứ sở.

C. Mẹ luôn đồng hành cùng con qua bao năm tháng cuộc đời.

D. Mẹ được ví như đất nước, là cội nguồn đầu tiên mở ra bao tình cảm tốt đẹp, lớn lao và vĩnh cửu cùng con đi suốt cuộc đời.

Câu 7. Trong bài thơ, khi mẹ ốm, để mẹ vui và khỏe dần dần, người con đã làm những gì?

A. Vui chơi, nói cười, đọc sách, kể chuyện B. Ngâm thơ, kể chuyện, múa ca

C. Ngâm thơ, kể chuyện, múa ca, diễn kịch D. Đọc sách, cấy cày, diễn kịch

Câu 8. Viết một câu văn có chủ ngữ được mở rộng thành phần, nội dung liên quan đến bài thơ trên.

Câu 9: Hãy nêu ít nhất hai việc làm có ích của em khi có người thân trong gia đình không may bị ốm.

Câu 10 (2 điểm): Viết một đoạn văn (khoảng 7 câu) nêu cảm nghĩ của em về bài thơ trên.

Phần II (4.0 điểm).  

Bằng bài văn ngắn khoảng 1,5 trang giấy, hãy kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của em với một người thân yêu trong gia đình.

Ban Truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 20 đánh giá
Chia sẻ: