Ôn tập môn Ngữ văn 9: Câu chủ đề trong đoạn nghị luận văn học

17/12/2023

Trong đoạn nghị luận văn học, câu chủ đề có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, khi viết một đoạn văn nghị luận về thơ hoặc một vấn đề trong tác phẩm văn xuôi, nhiều bạn còn lúng túng với việc viết câu chủ đề. Sau đây là một số gợi ý giúp các em có thể viết câu chủ đề một cách dễ dàng hơn.
 

Lặng lẽ Sa Pa

(Ảnh: nguồn Internet)
 

Trước hết, các em lưu ý câu chủ đề của một đoạn nghị luận văn học cần đảm bảo các yếu tố sau:

- Đúng ngữ pháp: nghĩa là câu có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ và cả trạng ngữ (nếu cần).

- Đúng chủ đề: nghĩa là nêu được vấn đề cần nghị luận, có chứa cụm từ chủ đề.

- Đúng phạm vi nghị luận: nghĩa là làm rõ đoạn văn sẽ phân tích vấn đề trong phạm vi những câu thơ, đoạn thơ, đoạn trích nào trong tác phẩm hoặc cả tác phẩm.

- Diễn đạt tốt: nghĩa là câu gọn gàng, không mắc lỗi lặp từ, đọc lên nghe xuôi tai, không trúc trắc.
 

Câu chủ đề đầu đoạn diễn dịch

- Công thức 1: (Phạm vi nghị luận) đã thể hiện rõ/ bộc lộ rõ/ khắc họa rõ (chủ đề nghị luận).

Ví dụ 1: Bảy câu thơ đầu bài “Đồng chí” của Chính Hữu đã thể hiện rõ nét những cơ sở hình thành niên tình đồng chí của những người lính chống Pháp.

Ví dụ 2: Khổ thơ cuối bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận đã khắc họa rõ nét cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong buổi bình minh huy hoàng rực rỡ.

Ví dụ 3: Khổ thơ cuối bài “Bếp lửa” của Bằng Việt đã bộc lộ rõ nét nỗi niềm nhớ thương da diết của nhà thơ với bà, với quê hương, đất nước.

- Công thức 2: Trong (phạm vi nghị luận), tác giả đã thể hiện/ khắc hoạ rõ nét (chủ đề nghị luận).

Ví dụ 1: Trong truyện ngắn “Làng”, nhà văn Kim Lân đã khắc hoạ rõ nét diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai sau khi nghe tin làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây.

Ví dụ 2: Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã khắc hoạ rõ nét lòng yêu nghề và say mê công việc của anh thanh niên.

Ví dụ 3: Trong khổ thơ cuối bài “Ánh trăng”, nhà thơ Nguyễn Duy đã thể hiện rõ những suy ngẫm triết lý sâu sắc về con người và cuộc đời.

- Công thức 3: Trong (phạm vi nghị luận), (chủ đề nghị luận) đã được tác giả … khắc hoạ/ thể hiện rõ nét

Ví dụ 1: Trong khổ thơ đầu bài “Đoàn thuyền đánh cá”, cảnh tượng đoàn thuyền ra khơi trong buổi hoàng hôn kì vĩ, tráng lệ đã được nhà thơ Huy Cận miêu tả rõ nét.

Ví dụ 2: Trong đoạn trích kể lại việc ông Hai nói chuyện với thằng con út (trích tác phẩm “Làng”), tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của ông Hai đã được nhà văn Kim Lân khắc hoạ rõ nét.

Ví dụ 3: Trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, tình phụ tử thiêng liêng sâu nặng của ông Sáu và bé Thu đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng khắc hoạ rõ nét.

- Công thức 4: (Chủ đề nghị luận) đã được tác giả thể hiện/ khắc hoạ rõ nét trong (phạm vi nghị luận).

Ví dụ 1: Sự cởi mở, chân thành, hiếu khách của anh thanh niên đã được nhà văn Nguyễn Thành Long khắc hoạ rõ nét trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa.

Ví dụ 2: Vẻ đẹp của người dân chài đã được nhà thơ Huy Cận khắc hoạ rõ nét trong khổ thơ thứ sáu bài “Đoàn thuyền đánh cá”.

Ví dụ 3: Những suy ngẫm của người cháu về cuộc đời bà và bếp lửa đã được nhà thơ Bằng Việt khắc hoạ rõ nét trong trong đoạn thơ thứ sáu bài “Bếp lửa”.
 

Câu chủ đề cuối đoạn quy nạp

Với câu chủ đề cuối đoạn quy nạp, các em chỉ cần thêm các từ Như vậy, Vậy là, Tóm lại, Quả thực … vào đầu mỗi câu chủ đề kể trên.

Ví dụ 1: Như vậy, bảy câu thơ đầu bài “Đồng chí” của Chính Hữu đã thể hiện rõ nét những cơ sở hình thành niên tình đồng chí của những người lính chống Pháp.

Ví dụ 2: Tóm lại, trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã khắc hoạ rõ nét lòng yêu nghề và say mê công việc của anh thanh niên.

Ví dụ 3: Vậy là, trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”, tình phụ tử thiêng liêng sâu nặng của ông Sáu và bé Thu đã được nhà văn Nguyễn Quang Sáng khắc hoạ rõ nét.

Ví dụ 4: Quả thực, vẻ đẹp của người dân chài đã được nhà thơ Huy Cận khắc hoạ rõ nét trong khổ thơ thứ sáu bài “Đoàn thuyền đánh cá”.
 

Câu chủ đề cuối đoạn tổng hợp – phân tích – tổng hợp

Đoạn văn lập luận theo kiểu tổng hợp – phân tích – tổng hợp có hai câu chủ đề. Vì vậy, để tránh lỗi lặp đồng thời thể hiện ý đoạn văn một cách khái quát, tổng hợp hơn, các em cần viết câu chủ đề cuối đoạn có mở rộng, nâng cao. Các em có thể tham khảo một số cách mở rộng, nâng cao trong câu chủ đề cuối đoạn tổng hợp – phân tích – tổng hợp sau đây:

Cách 1: Mở rộng, nâng cao ý bằng cách khái quát nhân vật truyện hoặc hình tượng thơ đại diện, tiêu biểu cho ai…

Ví dụ 1: Quả thực, nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân là một người yêu làng, yêu nước tha thiết và ông cũng là đại diện tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp có tình yêu quê hương hòa quyện với tình yêu Tổ quốc.

Ví dụ 2: Tóm lại, tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật đã vẽ nên bức chân dung tinh thần tuyệt đẹp về những người lính lái xe Trường Sơn và đó cũng chính là vẻ đẹp của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam đã từng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Cách 2: Mở rộng câu chủ đề cuối đoạn bằng nghệ thuật tổng quát:

Ví dụ 1: Quả thực, với nghệ thuật kể chuyện và miêu tả chân thực, sống động, các tác giả Ngô gia văn phái đã đem đến cho người đọc một bức chân dung sống động về vị hoàng đế Quang Trung oai phong lẫm liệt có nhiều phẩm chất tốt đẹp.

Ví dụ 2: Tóm lại, với bút pháp lãng mạn, bay bổng và sự điêu luyện, nhuần nhuyễn trong sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, nói quá, liệt kê … thi sĩ Huy Cận đã đem đến cho người đọc một bức tranh tuyệt đẹp về sự trù phú giàu có của biển cả quê hương và những con người lao động mới XHCN.

Mở rộng câu chủ đề cuối đoạn bằng liên hệ, kết nối giữa tác phẩm với thực tế

Ví dụ 1: Tóm lại, “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng đã đem đến cho người đọc một câu chuyện cảm động về tình cha con thiêng liêng sâu nặng và dù chiến tranh đã qua đi lâu lắm, nhưng tình phụ tử bất diệt ấy vẫn luôn khiến trái tim bao thế hệ độc giả không ngừng thổn thức.

Ví dụ 2: Quả thực, lời nhắc nhở con người hướng về đạo lý sống ân nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn được gửi gắm trong khổ thơ cuối bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy không chỉ có ý nghĩa với chính nhà thơ, với những con người tại thời điểm bài thơ ra đời mà còn có giá trị với mỗi chúng ta trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Trên đây là một số công thức câu chủ đề có tính gợi ý. Từ những gợi ý đó, các em có thể viết những câu chủ đề khác có cách dùng từ và diễn đạt tương tự. Chúc các em thành công với kiểu bài nghị luận văn học.
 

Ban Truyền thông

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 10 đánh giá
Chia sẻ: