Ôn tập môn Ngữ văn 9: Ý nghĩa nhan đề của tác phẩm văn học

15/12/2023

Phân tích hình ảnh người bà trong bài thơ Bếp lửa | Văn mẫu 9
 

Nhan đề tác phẩm có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt với sự tồn tại và sức sống lâu bền của tác phẩm ấy trong lòng độc giả. Bởi lẽ, rất nhiều tác phẩm thu hút người đọc ngay từ nhan đề hấp dẫn của nó. Câu hỏi trình bày ý nghĩa nhan đề tác phẩm cũng thường xuất hiện trong các đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn lớp 9. Để trả lời đủ ý và đạt điểm cao cho dạng câu hỏi này, các em cần lưu ý những điều sau:

+ Cần khẳng định nhan đề bộc lộ chủ đề tác phẩm và nêu chủ đề cụ thể. (Vì đa số các nhan đề đều góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm).

+ Với những nhan đề có ý nghĩa biểu tượng, cần nêu cả nghĩa thực và nghĩa biểu tượng.

* Công thức 1: Nhan đề … thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm: (nêu chủ đề tác phẩm – thường gắn với từ “ca ngợi ” … )

Ví dụ 1: Nhan đề “Đồng chí” thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm: ca ngợi tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng của những người lính trong kháng chiến chống Pháp.

Ví dụ 2: Nhan đề “Làng” thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm: ca ngợi tình yêu làng, yêu nước của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

* Công thức 2 (dùng cho những nhan đề có ý nghĩa biểu tượng): … là một nhan đề có ý nghĩa biểu tượng. Trước hết, … là … Hình ảnh … của nhan đề còn có ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng cho … Như vậy, nhan đề … góp phần bộc lộ rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Ví dụ 1: “Chiếc lược ngà” là một nhan đề có ý nghĩa biểu tượng. Trước hết, đó chiếc lược bằng ngà voi mà ông Sáu tự tay làm tặng cho bé Thu, là kỉ vật duy nhất mà ông Sáu để lại cho con gái. Hình ảnh chiếc lược ngà của nhan đề còn có ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng cho tình cha con thiêng liêng sâu nặng, bất tử của ông Sáu và bé Thu, gợi người đọc thấm thía nỗi đau thương, mất mát của con người Việt Nam trong chiến tranh. Như vậy, nhan đề “Chiếc lược ngà” góp phần bộc lộ rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Ví dụ 2: “Bếp lửa” là một nhan đề có ý nghĩa biểu tượng. Trước hết, bếp lửa một sự vật quen thuộc thường xuất hiện trong mỗi gia đình người Việt Nam. Hình ảnh bếp lửa của nhan đề còn có ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng cho tình bà cháu thiêng liêng ấm nóng, tình cảm gia đình. Đó cũng là khởi nguồn của tình yêu Tổ quốc. Như vậy, nhan đề “Bếp lửa” góp phần bộc lộ rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

* Một số trường hợp đặc biệt

Các em cũng cần lưu tâm trong một số trường hợp, nhan đề tác phẩm có cấu tạo hoặc cách dùng từ khá đặc biệt và chính cách dùng từ, sắp xếp câu chữ như thế trong nhan đề cũng thể hiện dụng ý của tác giả.

Ví dụ 1: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một nhan đề khá dài, độc đáo, mới lạ bởi lẽ đây vốn là một tác phẩm thơ mà tác giả lại đưa từ “bài thơ” vào nhan đề. Từ này thể hiện rõ cách khai thác hiện thực độc đáo của Phạm Tiến Duật: nhà thơ đã tìm thấy chất thơ từ hiện thực chiến tranh khốc liệt, chất thơ của tuổi trẻ hiên ngang, sôi nổi …

Ví dụ 2: “Lặng sẽ Sa Pa” là nhan đề sử dụng cấu trúc đảo (đảo ngữ): tính từ “lặng lẽ” được đảo lên trước danh từ “Sa Pa”. Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh sự lặng lẽ của thiên nhiên và con người trên mảnh đất Sa Pa. Nơi Sa Pa thanh bình, thơ mộng có những con người ngày đêm miệt mài làm việc hăng say, cống hiến hết mình một cách âm thầm và lặng lẽ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Có một điều quan trọng là muốn hiểu thấu ý nghĩa nhan đề của một tác phẩm, các em nhất định phải đọc kĩ tác phẩm ấy. Chúc các em giành điểm trọn vẹn ở câu hỏi trình bày ý nghĩa nhan đề tác phẩm.
 

Ban Truyền thông

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 7 đánh giá
Chia sẻ: