Ngữ liệu ngoài trong đề kiểm tra

18/12/2023

hoa đẹp nhất thế giới 9
 

Trong các đề kiểm tra và đề thi môn Ngữ văn lớp 9 hiện nay thường có một phần Ngữ liệu ngoài. Về phần nội dung này, các em cần lưu tâm những điều sau:

+ Ngữ liệu ấy vẫn nằm trong SGK 6, 7, 8, 9 nhưng không nằm trong tác phẩm văn học, văn bản nhật dụng mà ở phần luyện tập hoặc phần tìm hiểu bài của các bài Tiếng Việt, Tập làm văn, phần đọc thêm cuối các tác phẩm văn học.

+ Ngữ liệu hoàn toàn nằm ngoài chương trình SGK Ngữ văn THCS

. Là một câu chuyện

. Là một đoạn nghị luận

. Là một đoạn thông tin

. Là một bài báo

. Là một phần bức thư …

. Là một đoạn thơ, bài thơ

. Là một lời phát biểu

Đối với các em, ngữ liệu ngoài là rất mới nhưng các em không vì thế mà hoang mang, lo sợ. Bởi vì, dù ngữ liệu mới nhưng đề bài sẽ có những dạng câu hỏi quen thuộc sau:

1) Xác định phương thức biểu đạt và lí giải vì sao em chọn phương thức ấy.

Để trả lời dạng câu hỏi này, các em cần nhớ đặc điểm của từng phương thức biểu đạt

+ Tự sự: có nhân vật, có sự việc và có chủ đề - thường là 1 câu chuyện).

+ Nghị luận: có luận cứ (lí lẽ, dẫn chứng) lập luận, luận điểm (thường là câu chủ đề nằm ở đầu hoặc cuối mỗi đoạn văn).

+ Biểu cảm: bộc lộ cảm xúc của người viết – thường là 1 đoạn bức thư, một đoạn thơ, một lời hát.

+ Thuyết minh: cung cấp tri thức khoa học (sử dụng số liệu thống kê; xuất hiện khái niệm, định nghĩa).

+ Miêu tả: có sự tái hiện đặc điểm sự vật, sự việc (thường tái hiện qua tính từ, động từ, từ láy)

Mọi sự lí giải cần có ví dụ minh hoạ bằng dẫn chứng từ ngữ liệu

Nếu đề hỏi phương thức biểu đạt chính: chỉ nêu 1 phương thức chủ yếu

Nếu đề hỏi các phương thức biểu đạt thì nêu theo trình tự chính trước, phụ sau

2) Tìm/ xác định phép liên kết được sử dụng trong ngữ liệu

+ Phép thế

+ Phép nối

+ Phép lặp

Gặp dạng câu hỏi này, các em nhớ nêu phép liên kết rõ nét nhất, được sử dụng phổ biến nhất, dễ tìm nhất ở trong đoạn ngữ liệu.

3) Xét theo cấu tạo, xét theo mục đích nói, câu … thuộc kiểu câu gì?

+ Xét theo mục đích nói: có 4 kiểu câu phổ biến là câu trần thuật, câu cảm thán, câu nghi vấn, câu cầu khiến

+ Xét theo cấu tạo: có các kiểu câu thường gặp là câu rút gọn, câu đặc biệt, câu ghép, câu dùng cụm C - V mở rộng thành phần

4) Hỏi về một vấn đề mà câu trả lời nằm ngay trong nội dung văn bản (đọc – hiểu văn bản, đọc – hiểu ngữ liệu)

? Tại sao?

? Theo tác giả, … như thế nào?

? Theo tác giả, …là gì?

? Việc tác giả nói là … có ý nghĩa gì?

? Em rút ra được bài học gì cho bản thân? Những bài học ý nghĩa/ có giá trị mà ngữ liệu gửi gắm/ thể hiện?

Thường để trả lời dạng câu hỏi này, ta cần dựa vào hai căn cứ:

- Thông tin trong văn bản

- Hiểu biết và kinh nghiệm sống của cá nhân

Ngoài ra, đề có thể yêu cầu khai thác các kiến thức: biện pháp tu từ, từ vựng, dấu câu, các phương châm hội thoại, hàm ý trong câu nói, các hình thức ngôn ngữ …

Các em nhớ, với bất kì câu hỏi nào, cũng cần suy nghĩ thật kĩ, đưa ra câu trả lời rõ nghĩa. Chúc các em thành công với điểm trọn vẹn của phần này.
 

Ban Truyền thông

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 2 đánh giá
Chia sẻ: