Ôn tập Ngữ văn 9: Viết câu mở đầu đoạn nghị luận văn học lập luận theo cách quy nạp như thế nào?

17/12/2023

Nhiều em hẳn còn lúng túng khi viết câu mở đầu cho đoạn văn quy nạp. Dưới đây là một số gợi ý để các em viết đúng, tránh tình huống biến đoạn văn quy nạp thành đoạn văn tổng hợp – phân tích – tổng hợp.
 

Với phân tích nhân vật trong tác phẩm truyện

* Cảm nhận chung về nhân vật: Giới thiệu một đặc điểm của nhân vật + kèm dẫn chứng trực tiếp, gián tiếp.

Ví dụ 1: Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã giới thiệu nhân vật anh thanh niên là một chàng trai hai mươi bảy tuổi, quê ở Lào Cai, có vóc người nhỏ nhắn.

Ví dụ 2: Trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”, Lê Minh Khuê đã giới thiệu Phương Định là một cô gái Hà Nội có vẻ ngoài ưa nhìn với “cái cổ cao và kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”.

Ví dụ 3: Trong truyện ngắn “Làng”, Kim Lân đã giới thiệu ông Hai là một người nông dân quê ở làng Chợ Dầu nhưng đi tản cư ở vùng Bắc Giang.

Ví dụ 4: Trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương", Nguyễn Dữ đã giới thiệu Vũ Nương là một người con gái nhà nghèo, “tư dung tốt đẹp”, làm vợ chàng Trương Sinh.

Ví dụ 5: Trong “Hồi thứ mười bốn” (Hoàng Lê nhất thống chí – Ngô gia văn phái), hoàng đế Quang Trung sau khi lên ngôi đã đích thân cầm quân ra Bắc để dẹp giặc.

* Cảm nhận về một phẩm chất, đặc điểm của nhân vật: Trình bày một biểu hiện cụ thể của phẩm chất, đặc điểm kèm dẫn chứng trực tiếp hoặc gián tiếp.

Ví dụ 1: Trong truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ), nàng Vũ Nương ngay từ khi mới về nhà chồng đã luôn giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng thất hòa.

Ví dụ 2: Trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, nhân vật ông Hai khi đi tản cư vẫn luôn nhớ về làng Chợ Dầu yêu dấu: “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá”.

Ví dụ 3: Trong truyện ngắn“Lặng lẽ Sa Pa”, anh thanh niên làm công tác khí tượng yêu nghề đến mức chiến thắng nỗi cô đơn, nỗi “thèm người” để bám trụ trên đỉnh Yên Sơn suốt nhiều năm liền.

* Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật: Trình bày biểu hiện tâm trạng trong một hoàn cảnh cụ thể kèm dẫn chứng trực tiếp hoặc gián tiếp

Ví dụ 1: Trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê), nhân vật Phương Định khi lại gần quả bom đã có cảm giác thoáng e sợ vì không gian xung quanh quá vắng lặng.

Ví dụ 2: Trong truyện ngắn “Làng” (Kim Lân), nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Dầu Việt gian theo giặc thì đã vô cùng bàng hoàng, sửng sốt đến nỗi “cổ họng nghẹn ắng …”

Ví dụ 3: Trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, nhân vật ông Sáu khi thấy bé Thu sợ hãi bỏ chạy và thét gọi má đã hụt hẫng, thất vọng đến mức “hai tay buông xuống như bị gãy”.
 

Với phân tích thơ

Giới thiệu nội dung chính của một hoặc hai câu thơ đầu tiên trong đoạn thơ, khổ thơ kèm trích dẫn thơ.

Ví dụ 1: Mở đầu bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu là hai câu thơ nói về hoàn cảnh xuất thân của những người lính chống Pháp:

                                        Quê hương anh nước mặn đồng chua

                                        Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Ví dụ 2: Trong hai câu đầu khổ thơ thứ bảy tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, hình ảnh chiếc xe không kính một lần nữa hiện lên chân thực, sống động:

                                        Không có kính rồi xe không có đèn

                                        Không có mui xe, thùng xe có xước

Ví dụ 3: Mở đầu bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là những câu thơ kể về kỉ niệm gắn bó giữa người và trăng khi con người đương tuổi hoa niên:

                                        Hồi nhỏ sống với đồng

                                        với sông rồi với bể

Chọn lọc một từ ngữ, chi tiết, hình ảnh, biện pháp tu từ trong câu một hoặc hai câu thơ đầu của đoạn thơ, khổ thơ để phân tích và kèm trích dẫn thơ.

Ví dụ 1: Đọc câu thơ đầu tiên của bài “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận), ta bắt gặp một hình ảnh so sánh tuyệt đẹp:

                                        Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Ví dụ 2: Đến với câu thơ đầu tiên của bài “Sang thu” (Hữu Thỉnh), người đọc bất ngờ khi bắt gặp một mùi hương thơm nồng, thân thuộc chốn vườn quê:

                                        Bỗng nhận ra hương ổi

Ví dụ 3: Trong câu mở đầu của khổ cuối bài “Bếp lửa”, nhà thơ Bằng Việt đã sử dụng một dấu chấm giữa dòng thơ:

                                       Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

Trên đây là một số gợi ý giúp các em tự tin viết câu mở đầu đoạn văn quy nạp. Chúc các em thực hành thành công những cách viết này với từng đề bài cụ thể!


 

Ban Truyền thông

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 12 đánh giá
Chia sẻ: