Đề tham khảo Kiểm tra học kì I môn Ngữ văn 7

13/12/2023

Mua Những Truyện Hay Viết Cho Thiếu Nhi - Phong Thu ( Tái Bản 2019 ) - Tặng  Kèm Sổ Tay tại Bamboo Books | Tiki

Phần I – Đọc hiểu (6 điểm):

            Đọc kĩ văn bản sau:

MẸ TÔI

           Tôi có người bạn nhỏ, tên cậu ấy là Lâm. Nhà Lâm đông anh em, nên mọi thứ so với bạn bè không thể nào bằng được. Bạn khác mất chiếc bút máy, thì lập tức bố mẹ đã mua cho chiếc mới ngay. Với Lâm thì không. Cái bút bi mà cậu ấy đang viết từ mấy tháng nay, chỉ thay ruột, còn cái vỏ vẫn tốt. Lâm còn biết chữa khi bút bị tắc mực. Tôi có hỏi sao cậu ấy cẩn thận, tiết kiệm thế? Lâm trả lời:

           - Nhà tớ nghèo, mà mẹ tớ lại không được khỏe.

           Tôi nghe, vừa quý vừa thương cậu ấy.

           Hồi đầu năm học, tôi có cho Lâm vay hơn chục nghìn để mua sách giáo khoa. Vì trong buổi nộp tiền, Lâm không có đủ, tôi đã đưa cho Lâm số tiền mua sách hãy còn thừa. Về nhà, tôi nói lại cho mẹ tôi biết. Mẹ mắng:

           - Ngày mai, phải đi đòi về. Hay là tiêu bậy rồi?

           Tôi biết đến mai, Lâm chưa thể trả và cũng không muốn mẹ tôi hiểu lầm về tôi và Lâm. Miệng thì “vâng”, nhưng trong lòng, tôi lo lắm.

           Hôm sau, mẹ tôi hỏi, tôi thưa là Lâm chưa có. Mẹ tôi không vui, và tôi cũng băn khoăn, không biết làm thế nào. May sao, ba ngày sau, Lâm mang tiền đến trả đúng vào lúc mẹ tôi có nhà. Cậu ấy hai tay cầm tiền, thưa với mẹ tôi:

           - Thưa bác, hôm nọ cháu thiếu tiền mua sách nên …

           Mẹ tôi mỉm cười nhìn Lâm đăm đăm rồi bất chợt hỏi:

           - Ai vá áo cho cháu đấy?

           Lâm có vẻ ngượng. Tận lúc ấy tôi mới nhìn thấy miếng vá ở vai áo bạn tôi. Màu vải của mụn vá khác với màu vải của áo. Lâm khẽ thưa:

           - Cháu …vá lấy đấy ạ!

           Mẹ tôi âu yếm bảo Lâm:

           - Cháu cởi áo ra, - bà quay về phía tôi. - Con lấy áo của con cho bạn mặc tạm kẻo lạnh …

          Nói rồi mẹ tôi đứng lên mở ngăn kéo đựng đồ khâu, lấy kim chỉ và chọn mụn vải giống với màu vải áo của Lâm, vá lại áo cho nó. Vá xong, mẹ vừa cắn chỉ vừa nhìn Lâm:

           - Chắc mẹ cháu bận lắm, hay mẹ cháu ở xa?

           Lâm hơi cúi đầu:

           - Vâng. Mẹ cháu bận lắm, mà các em cháu thì còn nhỏ ạ!

           - Cháu là lớn nhất?

           - Vâng ạ!

           Lúc Lâm đã ra về, mẹ tôi mới bảo tôi:

           - Bạn con là một đứa con biết thương mẹ và ngoan. Hôm nọ mà mẹ biết, mẹ đã không mắng con.

           Tôi liền thưa rõ ý định của tôi:

          - Con đã định để dành tiền rồi trả lại tiền của mẹ thay cho cậu ấy, nhưng cậu ấy không chịu. Cậu ấy bảo: “Đã vay là phải trả. Nếu không cậu sẽ bị mẹ cậu mắng.”

           Mẹ tôi im lặng. Một lát, người bảo:

           - Thỉnh thoảng, con rủ bạn ấy sang nhà ta chơi và học bài với nhau cho vui …

           Tôi ôm lấy mẹ, nóng cả mắt. Nước mắt chỉ chực trào ra vì sung sướng.

(Theo “Những truyện hay viết cho thiếu nhi”, Phong Thu, NXB Kim Đồng, 2021)

Câu 1 (4 điểm). Trả lời câu hỏi bằng cách ghi lại đáp án đúng vào giấy kiểm tra.

a. Văn bản “Mẹ tôi” thuộc thể loại truyện gì?

           A. Truyện đồng thoại                                      B. Truyện ngắn

           C. Truyện khoa học viễn tưởng                      D. Truyện ngụ ngôn

b. Câu thoại nào trong văn bản “Mẹ tôi” là lời của người kể chuyện?

           A. - Nhà tớ nghèo, mà mẹ tớ lại không được khỏe.

           B. - Ngày mai, phải đi đòi về. Hay là tiêu bậy rồi?

          C. - Con đã định để dành tiền rồi trả lại tiền của mẹ thay cho cậu ấy, nhưng cậu ấy không chịu. Cậu ấy bảo: “Đã vay là phải trả. Nếu không cậu sẽ bị mẹ cậu mắng.”

           D. - Bạn con là một đứa con biết thương mẹ và ngoan. Hôm nọ mà mẹ biết, mẹ đã không mắng con.

c. Chi tiết nào dưới đây thể hiện bối cảnh riêng của câu chuyện mà nhân vật “tôi” kể?

           A. Hồi đầu năm học, ở trường và ở nhà của các nhân vật

           B. Hồi đầu năm học, ở trường và ở nhà của nhân vật “tôi”

           C. Hồi cuối năm học, ở trường của các nhân vật

           D. Hồi cuối năm học, ở trường và ở nhà của các nhân vật

d. Trường hợp nào dưới đây có trạng ngữ KHÔNG được mở rộng thành phần?

           A. Về nhà, tôi nói lại cho mẹ biết.

           B. Thỉnh thoảng, con rủ bạn ấy sang nhà ta chơi và học bài với nhau cho vui …

           C. Lúc Lâm đã ra về, mẹ tôi mới bảo tôi.

           D. May sao, ba ngày sau, Lâm mang tiền đến trả đúng vào lúc mẹ tôi có nhà.

đ. Theo lời của người kể chuyện, tính cách nhân vật Lâm được thể hiện qua những phương diện nào?

           A. Gia cảnh, ngoại hình, lời nói, hành động, cử chỉ; suy nghĩ và nhận xét của nhân vật “tôi”

           B. Gia cảnh, ngoại hình, lời nói, hành động, cử chỉ, suy nghĩ; nhận xét của nhân vật “tôi”

           C. Gia cảnh, ngoại hình, lời nói, hành động, cử chỉ, suy nghĩ của nhân vật Lâm

           D. Gia cảnh, ngoại hình, lời nói, hành động, cử chỉ, cảm xúc của nhân vật Lâm

e. Vì sao cuối văn bản, nhân vật “tôi” lại “… ôm lấy mẹ, nóng cả mắt. Nước mắt chỉ chực trào ra vì sung sướng”?

          C. Vì nhân vật “tôi” không bị mẹ mắng

          B. Vì nhân vật “tôi” nghe mẹ bảo được rủ bạn Lâm sang chơi và học bài cùng cho vui

          C. Vì nhân vật “tôi”ôm lấy mẹ, nóng cả mắt. Nước mắt chỉ chực trào ra vì sung sướng

          D. Vì nhân vật “tôi” hạnh phúc vô bờ, khi cảm nhận được tình yêu thương từ mẹ; mẹ còn thấu hiểu và là nhịp cầu gắn kết thêm tình bạn của em và bạn Lâm.

g. Bằng việc kể ra lần lượt các hành động của mẹ: “Nói rồi mẹ tôi đứng lên mở ngăn kéo đựng đồ khâu, lấy kim chỉ và chọn mụn vải giống với màu vải áo của Lâm, vá lại áo cho nó…”, ta thấy nhân vật “tôi” cảm nhận đầy đủ, sâu sắc nhất phẩm chất nào ở người mẹ của mình?

          A. Mẹ là người chăm chỉ.                                B. Mẹ là người khéo tay.

          C. Mẹ là người tinh tế.                                    D. Mẹ là người nhân hậu.

h. Nội dung chính của văn bản “Mẹ tôi” là gì?

          A. Bày tỏ tấm lòng xót thương của nhân vật “tôi” với người bạn nghèo

          B. Phản ánh tình cảm keo sơn gắn bó giữa những người bạn học

          C. Ngợi ca vẻ đẹp dịu dàng, ấm áp của người mẹ trong cảm nhận của nhân vật “tôi”.

          D. Bộc lộ những tình cảm nhân văn đáng quý, đáng trân trọng.

Câu 2 (1,0 điểm).

          Tình bạn trong sáng là một trong những tình cảm đẹp, đáng trân trọng trong cuộc đời mỗi người. Trong câu chuyện trên, em có đồng tình với cách giúp đỡ bạn Lâm của nhân vật “tôi” không? Vì sao?

Câu 3 (1,0 điểm).

           Hãy rút ra những bài học mà em tâm đắc sau khi đọc văn bản “Mẹ tôi”.
 

Phần II – Tạo lập văn bản (4,0 điểm)

           Trong truyện ngắn "Mẹ tôi" của tác giả Phong Thu, nhân vật nào đã để lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất? Hãy viết một bài văn khoảng 1 – 1,5 trang giấy để phân tích đặc điểm của nhân vật ấy.
 

----------------------------- Hết ---------------------------

Ban Truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 7 đánh giá
Chia sẻ: