Trang chủ HĐ Giáo dục Thông tin thư viện

Giới thiệu cuốn sách "Nhà giả kim"

26/10/2021
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết Nhà giả kim là một chàng trai trẻ tên là Santiago lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khổ, nhưng cậu luôn mơ ước được chu du khắp nơi trên thế giới. Và bố cậu đã đồng ý cho cậu dùng gia tài của mình mua một đàn cừu. Thế nhưng trong những giấc mơ của mình thì Santiago thường thấy hình ảnh một đứa bé dẫn cậu đến chân Kim tự tháp và bảo rằng nơi đây chôn vùi một kho báu lớn. Vì thế cậu quyết định từ bỏ đàn cừu mà đã gắn bó với mình suốt bao năm để lên đường đến Ai Cập tìm kho báu. Khi đến một ốc đảo, Santiago đã được khuyên là nên dừng chân bởi phía trước Cậu là chiến tranh giữa các bộ tộc. Và cũng tại ốc đảo này, cậu đã gặp Fatima, cô gái mà cậu yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Santiago buộc phải lựa chọn ở lại cùng người yêu của mình hay tiếp tục với hành trình của mình với ước mơ mà cậu đã trăn trở. Nhưng Fatima đã giúp cậu lựa chọn dễ dàng hơn, khi động viên người yêu bước tiếp trên sa mạc.

Nhiều người so sánh Nhà giả kim với Hoàng tử bé, một cuốn sách dành cho trẻ em. Về một cậu bé, một hoàng tử đã rời nhà để theo đuổi những mục đích to lớn hơn học những bài học giá trị về cuộc sống và tình yêu.

Cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp của một câu chuyện cổ tích mà ngày bé ta thường đọc về những anh hùng, về cuộc phiêu lưu truy tìm kho báu, và cả trận chiến với kẻ ác. Cũng chính vì thế mà Nhà Giả Kim tuy có những thuật ngữ tưởng chừng như mới lạ và có phần khó hiểu: “ngôn ngữ vũ trụ”, “cõi tâm linh vũ trụ” nhưng vẫn rất gần gũi, khiến cho người đọc dễ tiếp nhận.

Càng đọc ta sẽ càng cảm thấy hấp dẫn bởi nội dung được xây dựng dựa trên một cuộc hành trình, những giấc mơ và cả những dấu hiệu, lời giải đố. Hệt như sau mỗi sự việc tâm trí ta đều được khai sáng như giải một bài toán nhưng chẳng hề đau đầu hay khô khan, mà thú vị hơn nhiều.

 

Hành trình của anh chàng Santiago còn làm tôi liên tưởng đến chuyến thỉnh kinh của sư phụ “Đường Tăng” trong bộ phim Tây Du Ký hồi nhỏ. Những vùng đất mới mà Santiago đi qua, những con người mới mà cậu gặp, luôn cho tôi dự cảm về một chuỗi sự kiện bất ngờ sắp xảy ra. Giống như Đường Tăng và các đồ đệ gặp nhân dân, bách tính, hay những yêu nữ giả dạng. Thậm chí, đọc Nhà Giả Kim ta còn bị cuốn vào từng câu chữ, bởi vừa đọc vừa có thời gian suy ngẫm, cả những dự đoán cho tình tiết tiếp theo.

Đôi lúc tôi cảm thấy mình như phiêu lưu cùng nhân vật, vì tôi cũng giống Santiago, không biết điều gì trước mắt sắp xảy đến. Và tôi cũng tự hỏi rằng khi nào Santiago tìm được kho báu? Liệu cái kết có hậu như những bộ truyện cổ tích từng đọc hay không?

Anh chàng chăn cừu và Đường Tăng giống nhau ở chỗ đều phải trải qua rất nhiều thử thách suốt hành trình đến nơi xa xôi, đều là những con người “lên đường vì ước mơ, vì những mục đích lớn lao”. Nhưng nếu như trong Tây Du Ký, Đường Tăng được sự giúp đỡ rất nhiều từ các đồ đệ, bốn thầy trò trên đường luôn có nhau, thì với Nhà Giả Kim, mỗi đoạn đường Santiago lại gặp những con người mới, bạn bè mới, những người cùng trò chuyện và giúp đỡ. Nhưng cậu vẫn phải bước tiếp một mình trên đoạn đường tới, không thể ở lại với họ.

Chính vì lẽ đó mà câu chuyện đi tìm kho báu ban đầu có phần mộng mị và không đáng tin bỗng chốc lại trở nên chân thực lạ thường. Bởi cuộc đời, vận mệnh, ước mơ, con đường mà mỗi chúng ta lựa chọn chỉ có thể tự ta giải quyết, bước tiếp, và quyết định. Tương lai ra sao không ai biết trước, nhưng cũng chính vì thế mà trở nên thú vị. Ngày mai như một ẩn số mà chỉ có thể đi tiếp ta mới tìm được lời giải đáp. Và đôi khi hạnh phúc chẳng ở đâu xa xôi mà ngay cạnh bên mình.

Tôi rất thích cái cách tác giả lồng ghép bài học sau mỗi câu chuyện trên hành trình của Santiago. Vừa rất tinh tế, lại vừa cho bạn đọc một cảm giác mỗi ngày mở một trang sách lại tích lũy thêm một điều quý giá. Những câu chuyện, bài học được xâu chuỗi thành một chuyến đi như cuốn nhật ký của “người đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

Câu chuyện về cậu bé chăn cừu còn cho ta nhận ra rằng: thứ bạn nhận được trên suốt hành trình của đam mê còn lớn hơn cả những kết quả, thành tích được xem là kho báu cuối con đường. Và có lẽ kết quả đôi khi đã không còn quá quan trọng nữa.

Có thể chúng ta sẽ tìm thấy kho báu đời mình hiện hữu, cũng có thể không. Nhưng dù thế nào thì những kinh nghiệm, những con người mà ta đã gặp, những vùng đất ta đặt chân đến đều là những món quà vô giá. Hình ảnh bà lão giải mộng và vị vua già thực chất là chỉ là một biểu tượng của trái tim, là tiếng gọi sâu trong tâm hồn thôi thúc chúng ta hãy cứ theo đuổi ước mơ.

Santiago đã học được cách chăn cừu, cách làm việc ở tiệm pha lê, được thấy thanh kiếm đẹp đẽ mà trước nay cậu chưa từng được chiêm ngưỡng, gặp được những “cú lừa cay cú” và nhận lấy sự tỉnh táo, cũng gặp được người mình yêu, biết thêm về ngôn ngữ ký hiệu và cả những chân lý bấy lâu. Đó đều là những thứ không thể nào mua được chỉ bằng tiền bạc.

Cũng đã có lúc cậu bị lừa đến nỗi muốn từ bỏ, muốn mua cừu và trở về cuộc sống chăn cừu. Nhưng dấu hiệu của hai viên đá vị vua già đã tặng thôi thúc cậu như tiếng gọi từ đáy lòng, để cậu tiếp tục theo đuổi ước mơ. Cái cậu tin vào không phải là những điều mê tín, mơ hồ, mà đó là những hoài bão tiếp thêm động lực và ý nghĩa cuộc sống

Cuốn sách Nhà Giả Kim đã mang lại những bài học quý giá từ việc theo đuổi ước mơ, ủng hộ ước mơ của những người mình yêu thương, giúp ta vượt qua thử thách và cám dỗ trong cuộc đời. Có thể nói đây là một cuốn sách không chỉ đáng đọc mà còn đáng suy ngẫm, xứng đáng là tác phẩm kinh điển của thời đại. Bất cứ khi nào bạn muốn bỏ cuộc, hãy tìm đến Nhà Giả Kim như một lẽ sống, có thể cuốn sách không thay bạn làm điều bạn phải làm được nhưng sẽ là liều thuốc vỗ về tâm hồn và những ước mơ dang dở.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: