Trang chủ HĐ Giáo dục Thông tin thư viện

Giới thiệu sách: "Được học" - Bản tuyên ngôn về giá trị giáo dục.

10/01/2024
Bạn đã bao giờ thử tưởng tượng, mọi thứ sẽ ra sao nếu lần đầu tiên bạn bước chân vào lớp học không phải là khi bạn 6 tuổi, mà là 17? Điều này nghe có vẻ thật khó tin và dị thường, nhưng đó lại là một câu chuyện có thật của Tara Westover được thuật lại đầy sinh động trong cuốn hồi ký của cô - Educated (Hiện đã có bản dịch tiếng Việt của cuốn sách với tựa đề Được Học do NXB Phụ Nữ Việt Nam phát hành).

 Câu chuyện bắt đầu ở miền Tây nước Mỹ, bang Idaho, bên ngọn núi Buck, nơi chiếc xe bus học sinh không dừng bánh khi đi ngang ngôi nhà của gia đình Westover. Tara, người con út trong gia đình 7 anh chị em, không được đến trường và thậm chí không có giấy khai sinh, tức là về mặt pháp lý, Tara không hề tồn tại.

Điều này xảy ra sở dĩ cha cô là một người cuồng tín theo Mormon giáo. Ông đã từ bỏ mọi tiện ích công cộng như điện, y tế và giáo dục công, đồng thời tách biệt khỏi tất cả những gì liên quan đến chính phủ và sống một cuộc sống tự cung tự cấp. Cha của Tara là một người đàn ông hà khắc, tính khí thất thường và áp đặt rất nhiều điều lệ, quan điểm sống của mình lên toàn bộ gia đình; theo ông, giáo dục công chỉ là một âm mưu “tẩy não” người dân của chính phủ.

  

Vì vậy, Tara đã không được đến trường từ nhỏ như những người khác. Thay vì vui chơi và học tập, cô phải dành thời gian làm những công việc hết sức nguy hiểm trên bãi phế liệu kim loại cùng bố hay đôi khi là pha chế thảo dược cùng mẹ. Tuy nhiên, may mắn thay, cô cũng được mẹ mình giáo dục tại nhà để học cách đọc và thực hiện các phép tính đơn giản. Không sách giáo khoa hay tiểu thuyết, cuốn sách cô được đọc chỉ là Kinh Thánh.

Sau khi chứng kiến một người anh ham học của mình - Tyler, dũng cảm rời khỏi nhà và theo đuổi con đường giáo dục, Tara đã được truyền cảm hứng và nhận được sự khích lệ để nối gót người anh trai của mình.
Tara đã tự tìm tòi và ôn thi để đậu vào BYU (Brigham Young University) với tư cách một sinh viên không có bằng tốt nghiệp cấp 3. Đó là năm cô 17 tuổi, khi Tara lần đầu tiên được bước chân vào một lớp học.
 

Mọi thứ ban đầu không hề lý tưởng, Tara giống như một chú cá mắc cạn, hay nói chính xác hơn, có lẽ cô giống như Tarzan vừa rời khỏi thế giới rừng già và du nhập vào cuộc sống của loài người. “Michelangelo, Holocaust, Thời Kỳ Khai sáng Scotland,...” chắc hẳn là những từ ngữ, cái tên quen thuộc với nhiều người, nhưng với Tara, chúng chỉ giống như “những lỗ đen trên trang giấy”. Sau 17 năm đầu đời không được đến trường, Tara trở nên tụt hậu, mất thăng bằng vì bị mất đi một lỗ hổng kiến thức vô cùng lớn về nền văn minh nhân loại, theo cả góc độ vi mô lẫn vĩ mô. Chúng ta không biết những gì mình không biết. Đôi khi Tara không thể phân biệt được điều gì là đúng, điều gì là sai, cô chỉ hành xử theo bản năng của mình. Tara giống như một người đến từ “thế giới khác”, vì vậy mà cô khó có thể hòa nhập với mọi người trong cuộc sống thường ngày bởi cách cô nói chuyện, hành xử và sinh hoạt đều có sự khác biệt rất lớn. Ngay cả việc “rửa tay sau khi đi vệ sinh” với Tara cũng từng là một vấn đề gây ra mâu thuẫn, cô đã không được dạy điều đó và cũng không cảm thấy cần thiết phải làm vậy.

Sau những lần bị mọi người xa lánh, sau nhiều đêm thức trắng và nhịn ăn, những phút giây suy sụp tinh thần và cả những thất bại, cô dần gặt hái được những thành quả của việc học. Và cũng phải mất một thời gian dài cùng không ít nỗ lực, dần dần, Tara mới có thể học cách tìm kiếm và đón nhận sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Bởi lẽ, việc thiếu đi nền tảng giáo dục cơ bản khiến cô luôn cảm thấy tự ti và xấu hổ về bản thân mình. 

Hành trình đến với giáo dục của cô luôn đầy rẫy những khó khăn: thiếu thốn về mặt tài chính, không nhận được sự ủng hộ của bố mẹ, một tâm hồn tổn thương vì những tháng ngày chịu đựng sự bạo hành của người anh trai Shawn. Khi Tara càng tiến xa trên con đường học vấn, gia đình cô càng lùi lại phía sau. Cô học được cách kiến tạo nên con người mình và đau đớn nhận ra bản thân cũng đang dần “trật” ra khỏi bức tranh về thế giới bên ngọn núi Buck mà bố mẹ đã vẽ nên cho cô trong suốt thời thơ ấu. Hướng đến một thế giới lý trí, rộng lớn với giáo dục làm đòn bẩy, hay mãi mãi mắc kẹt trong vòng tròn được thêu dệt bằng những giáo điều và niềm tin mù quáng? Chúng ta ắt hẳn đều lựa chọn điều đầu tiên, Tara cũng vậy, nhưng với Tara, để theo đuổi điều đó, cô đã phải trả giá bằng tình cảm gia đình của mình.

                                              

Hành trình học vấn phi thường của Tara Westover là một minh chứng cho giá trị của giáo dục, dù đôi khi phải trả giá đắt, nhưng ta sẽ trưởng thành và không bao giờ còn như xưa. Chỉ có giáo dục mới có thể giúp ta khẳng định bản thân và kiến tạo nên thế giới của riêng mình. Educated - cuốn hồi ký xuất sắc nhất 2018 sẽ là một nguồn cảm hứng to lớn với những người đang theo đuổi con đường học vấn; đồng thời, cuốn sách cũng là một lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy trân trọng giá trị của giáo dục và cơ hội mà ta đang nắm giữ. Bởi giáo dục sẽ khiến cuộc đời ta thay đổi mãi mãi.

 
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: