Trang chủ HĐ Giáo dục Thông tin thư viện

Đi Trốn – Bình Ca – cuộc phiêu lưu kì thú nơi núi rừng hoang vu

07/06/2021
Đã 5 năm kể từ ngày đầu tiên cuốn tiểu thuyết trứ danh Quân Khu Nam Đồng ra mắt bạn đọc Việt Nam. Sau ngần ấy thời gian, tác giả Bình Ca đã chắp bút và viết nên cuốn tiểu thuyết tiếp theo – Đi Trốn. Trong câu chuyện mới mẻ này, tác giả tái hiện lại Việt Nam thời đạn lạc nhưng không bằng những vết khắc hằn sâu của chiến tranh, mà bằng cuộc phiêu lưu đầy sóng gió của 5 đứa trẻ ở một nơi không dấu chân người.

Tạm biệt quân khu với tướng cha, tướng con, tiểu thuyết Đi Trốn kể về câu chuyện của những con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau hiệp định Geneve 1954. Mỗi đứa trẻ, mỗi gia đình là một câu chuyện khác nhau. 

Giữa cảnh cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra ở khắp nơi trên đất nước, nhà văn Bình Ca vẫn dùng một ngòi bút bình thản để kể lại cuộc sống của lũ trẻ con cán bộ. Chúng lớn lên hoang dã, thiếu vắng hơi ấm gia đình và “quen thân” với súng đạn như là đồ chơi. 

“Nói đoạn, nó lấy một khẩu AK 47 trên giá súng, chạy ra bệ tập ngắm. Linh cũng làm theo. Dưới chân đồi, có một thằng bé ngồi dưới gốc cây thổi sáo, cạnh đó là con trâu đang gặm cỏ. Ban đầu Linh hướng nòng súng về phía con trâu, nhưng thấy mục tiêu to quá, nó rê nòng súng sang phía thằng bé và bóp cò. Một tiếng nổ đanh xé gió. Không ngờ trong ổ đạn vẫn còn một viên. Dưới chân đồi, con trâu lăn đùng ra, giãy đành đạch. May mà Linh nhằm vào thằng bé nên con trâu chết. Nó mà nhằm vào con trâu, có khi thằng bé đã trúng đạn”.

(trích “Đi Trốn” – Bình Ca)

Sau một sự cố bất ngờ trong cuộc sơ tán, lũ trẻ đi lạc và bị bỏ lại giữa rừng hoang, đây là lúc cuộc phiêu lưu bắt đầu. Trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn, lối về thì bị bịt kín, năm đứa trẻ lênh đênh trên chiếc bè tự đóng, dạt qua những hang động kì bí, có những lúc phải hợp sức chiến đấu với thú dữ trong rừng.

Chính cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ này đã khiến lũ trẻ gần nhau hơn, chúng biết đoàn kết tương trợ nhau trong những lúc khó khăn và biết tự lập khi ở bên không có bố mẹ.

Trong một thời đại vô cùng khắc nghiệt của đất nước, những đứa trẻ phải tự tìm ra lối đi cho cuộc đời mình. Tuy không trực tiếp chứng kiến cảnh mưa bom bão đạn, chiến tranh vẫn là con dao sắc lẹm vạch vào tuổi thơ của bọn trẻ những vết cắt đã trở thành nỗi buồn đi theo chúng suốt cuộc đời.

review-sach-di-tron-binh-ca

Tình yêu thiên nhiên và niềm đam mê khám phá

Đan cài trong những trang văn của cuốn sách Đi Trốn là những đoạn tả cảnh rừng núi, sông nước hay xuất sắc.

Dù phải vật lộn để bảo toàn mạng sống giữa thiên nhiên hoang sơ và bầy thú dữ, năm đứa trẻ vẫn không quên thả hồn mình vào cảnh đẹp của đất trời.

“Trăng lên, lấp ló trên đỉnh núi, rải ánh sáng bàng bạc xuống rừng già. Năm đứa lên bè ra rừng si. Dải ngân hà rắc xuống hồ nước những vì sao lấp lánh. Lá si như hàng vạn chiếc ô nhỏ giương lên che những giọt trăng, tạo nên một không gian huyền hoặc và những vùng sáng tối xen kẽ để cho những đứa con trai, con gái chơi trò trốn tìm.”

Dù mệt đến mấy, chúng vẫn là những đứa trẻ vô lo với những thú vui rất đúng lứa tuổi.

“Sau khi mệt nhoài vì đuổi bắt, chúng chuyển sang chơi bắn bùm… Cảm giác thú vị của trò chơi chiến tranh trên rừng si cổ thụ trong buổi tối kỳ diệu đó không chỉ cùng chúng đi vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhoài, mà còn theo chúng trong những giấc mơ nhiều năm sau đó”.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: