Tư liệu ôn thi vào lớp 10 THPT – Đoạn văn tham khảo “Tổ trinh sát mặt đường”

09/04/2023

 

“Tổ trinh sát mặt đường”

Nguồn ảnh: Internet
 

Đọc truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, ta không thể quên được ba cô gái thanh niên xung phong trong tổ trinh sát mặt đường: Nho, Thao, Phương Định. (1) Ba cô gái ấy đã sống và chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. (2) Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm, nơi trọng điểm ném bom của giặc, con đường trước hang đất lở loét, cây bị khô cháy, hầu như không có dấu hiệu của sự sống. (3) Hàng ngày, họ chạy trên cao điểm cả ban ngày, luôn đối mặt với thần chết vì nhiệm vụ chính của họ là “đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom.” và thường thì một ngày họ phá bom tới năm lần, ngày nào ít cũng phải ba lần. (4) Nhưng chính hoàn cảnh khắc nghiệt và công việc vô cùng nguy hiểm ấy đã khiến họ toả sáng những phẩm chất anh hùng cách mạng. (5) Ta tìm thấy ở ba cô gái ấy sự gan dạ, quả cảm, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lòng yêu nước và đương nhiên là cả lí tưởng sống quên mình vì nhân dân, đất nước. (6) Ở họ còn có tình đồng đội sâu sắc, gắn bó như chị em, điều đó thể hiện rõ trong đời sống hằng ngày, khi họ cùng nhau chiến đấu và đặc biệt là khi Nho bị thương, chị Thao và Phương Định hết sức cuống quýt, lo lắng, tận tình chăm sóc Nho. (7) Điều đáng quý hơn cả là sống và chiến đấu ở nơi vô cùng ác liệt, tàn khốc ấy, các cô vẫn không mất đi tinh thần lạc quan, vẻ hồn nhiên, trong sáng, nữ tính của những cô gái tuổi đôi mươi. (8) Trong những thời khắc bình yên hiếm có nơi chiến trường, họ đùa vui với nhau, nghe nhau hát và không thể giấu nổi nỗi vui mừng ngây thơ hồn nhiên như con trẻ khi cơn mưa đá rừng nhiệt đới ập tới. (9) Trong ba cô gái ấy, mỗi người lại có một nét riêng đáng nhớ: Phương Định xinh đẹp, nhạy cảm, hay suy tư mộng mơ; chị Thao bình tĩnh, quyết đoán là thế mà lại sợ máu, sợ vắt; còn Nho lúc nào cũng đáng yêu, khi mới tắm ở dưới suối lên thì trông “nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”. (10) Về nghệ thuật, trong tác phẩm này, Lê Minh Khuê đã rất thành công với ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật, đặt nhân vật vào những tình huống đặc biệt, sử dụng hình thức ngôn ngữ độc thoại nội tâm và các kiểu câu đa dạng, nhất là câu ngắn… để từ đó bộc lộ rõ tâm trạng, tính cách của mỗi cô gái nói chung và Phương Định nói riêng. (11) Như vậy, bằng tâm hồn nhạy cảm và những trải nghiệm sâu sắc nơi chiến trường, Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công hình ảnh của ba cô gái thanh niên xung phong nơi tuyến lửa Trường Sơn, họ cũng chính là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì chống Mĩ mang tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. (12)

Ban Truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 3 đánh giá
Chia sẻ: