Tư liệu ôn thi vào lớp 10 THPT – Đoạn văn tham khảo "Phương Định – ngôi sao nhỏ trên bầu trời Trường Sơn"

09/04/2023

 

Phương Định – ngôi sao nhỏ trên bầu trời Trường Sơn

Nguồn ảnh: Internet

(1) Trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, Phương Định – nhân vật chính của truyện – là một người con gái gốc Hà thành có ngoại hình xinh đẹp với “cái cổ cao và kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, hai bím tóc dày và mềm, đặc biệt là đôi mắt dài, màu nâu, hay nheo nheo như chói nắng. (2) Vẻ đẹp ấy khiến Phương Định nhận được sự quan tâm của các anh bộ đội, tuy nhiên, cô chẳng kiêu kì cũng không vồn vã mà lẳng lặng kín đáo giấu những tâm tư, suy nghĩ của mình. (3) Cũng như bao thanh niên thời chống Mĩ tràn đầy nhiệt huyết và lí tưởng của tuổi trẻ sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, Phương Định gác lại chuyện học hành, từ biệt cuộc sống êm đềm bên mẹ, xa rời thành phố Hà Nội thân yêu để trở thành một cô thanh niên xung phong chiến đấu trên mặt trận đường Trường Sơn tàn khốc và ác liệt. (4) Cô cùng với chị Thao và Nho hợp thành tổ trinh sát mặt đường, sống trong một cái hang dưới chân cao điểm, nhiệm vụ hàng ngày là quan sát địch ném bom, khi có bom nổ thì chạy lên “đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom” và thường thì mỗi ngày cô có năm lần phá bom, ngày nào ít cũng phải ba lần. (5) Đó là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, Phương Định và đồng đội của mình luôn phải đối mặt với “thần chết”, có thể hi sinh bất cứ lúc nào. (6) Nhưng cũng vì thế mà ở cô gái xinh xắn này luôn sáng ngời những phẩm chất anh hùng cách mạng: dũng cảm, kiên cường, mưu trí, nhanh nhẹn và một tinh thần trách nhiệm cao… (7) Ngày nào, Phương Định cũng chạy trên cao điểm với trạng thái“thần kinh căng như chão”, “tim đập bất chấp nhịp điệu” và công việc phá bom quen thuộc là thế mà lần nào cũng khiến cô căng thẳng, hồi hộp đến nghẹt thở, một tiếng động của xẻng chạm vào quả bom cũng đủ khiến cho cô “gai người”. (8) Những lúc như vậy, mọi giác quan của cô trở nên sắc bén và tinh nhạy hơn bao giờ hết, cô cũng nghĩ về cái chết nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua và rất mờ nhạt, bởi lẽ, là một cô thanh niên xung phong “trinh sát mặt đường”, Phương Định luôn ý thức đặt việc hoàn thành nhiệm vụ lên trên cả an nguy và tính mạng của bản thân. (9) Tuy vậy, chiến trường ác liệt vẫn không vùi lấp những vẻ đẹp lấp lánh trong tâm hồn cô thiếu nữ tuổi hai mươi như Phương Định, ở nơi bom rơi đạn nổ suốt ngày, cô vẫn rất lạc quan, yêu đời, luôn dành cho những người đồng đội của mình những tình cảm thật đáng trân trọng. (10) Cô thầm cảm phục và ngưỡng mộ những anh bộ đội có ngôi sao trên mũ, cô yêu thương chị Thao và Nho như yêu thương chị em mình, cô lo lắng và chăm sóc chu đáo khi Nho bị thương, cô quí mến cả anh đại đội trưởng nhã nhặn, lịch sự nữa. (11) Đặc biệt, những lúc yên tĩnh, cô không quên thưởng thức vẻ đẹp của đại ngàn Trường Sơn, cô say sưa hát đủ các loại nhạc từ dân ca Ý đến quan họ Bắc Ninh, cô thích ngồi bó gối mơ màng, cô vui thích cuống cuồng, những niềm vui con trẻ như nở rộ khi cơn mưa đá ập tới để rồi lại thẫn thờ tiếc đến mức không nói nổi khi mưa đá qua đi, bởi đó là lúc bao nhiêu kí ức tuổi thơ nơi quê nhà thanh bình và đẹp đẽ ùa về trong tâm trí cô. (12) Có thể thấy rằng, nữ văn sĩ Lê Minh Khuê đã rất thành công khi sử dụng người kể chuyện chính là Phương Định, đồng thời đặt nhân vật vào trong những tình huống đặc biệt, kết hợp với ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế và đặc sắc để từ đó làm nổi bật chân dung nhân vật chính. (13) Từ đó, Lê Minh Khuê đã khắc hoạ một cách sống động và chân thực hình ảnh cô thanh niên xung phong Phương Định, cô cũng là hình ảnh đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng chống Mĩ cứu nước.

Ban Truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 3 đánh giá
Chia sẻ: