Khúc giao mùa hạ - thu

14/04/2024

Đề bài: Dựa vào khổ thơ thứ hai bài “Sang thu”, hãy viết đoạn văn (khoảng 15 câu) theo cách lập luận tổng – phân – hợp để làm rõ những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trước những biến chuyển của thiên nhiên đất trời lúc giao mùa từ hạ sang thu. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần tình thái và phép nối để liên kết câu (chú thích rõ thành phần tình thái và từ ngữ thực hiện phép liên kết nối).
 

https://i.pinimg.com/564x/3c/33/31/3c33318247014aa5b3c237e335129dbf.jpg

 

          (1) Những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trước những biến chuyển của thiên nhiên đất trời lúc giao mùa từ hạ sang thu đã được thể hiện rõ nét trong khổ thơ thứ hai tác phẩm “Sang thu”. (2) Trong khoảng không gian đất trời bao la, rộng lớn, thi sĩ say sưa ngắm nhìn dòng sông và cánh chim trời:

                                                                  Sông được lúc dềnh dàng

                                                                  Chim bắt đầu vội vã

(3) Cặp từ trái nghĩa “dềnh dàng” – “vội vã” đã góp phần tạo nên nghệ thuật đối cho hai câu thơ trên, từ đó càng làm nổi bật trạng thái và sự vận động trái chiều, đối lập của dòng sông – con chim. (4) Chớm thu, sông không còn dòng nước xiết mà đi vào trạng thái ổn định, thong thả êm trôi; ngược lại cánh chim lại trở nên hối hả hơn, vội vàng hơn vì phải bay về phương Nam tránh cái rét đang ùa về. (5) Cái tài của nhà thơ là lấy sự vận động của sự vật trong không gian để miêu tả bước đi của thời gian, thi sĩ không cần nói rằng “hạ qua rồi, thu đã tới”, vậy mà người đọc vẫn cảm nhận rõ nét sự trôi chảy của thời gian qua cái “dềnh dàng” của sông, cái “vội vã” của chim. (6) Càng tài tình và tinh tế hơn nữa khi ông nắm bắt được cái thời khắc vừa chớm “được lúc”, “bắt đầu” thay đổi của sự vật thiên nhiên. (7) Dòng sông, con chim vốn là những sự vật thân thuộc, giản dị, vậy mà qua cách miêu tả của Hữu Thỉnh, ta bỗng thấy chúng nên thơ đẹp đẽ biết nhường nào! (8) Nhưng trong bức tranh “sang thu” ấy, đẹp nhất, thần tình nhất có lẽ vẫn là hình ảnh đám mây:

                                                                  Có đám mây mùa hạ

                                                                  Vắt nửa mình sang thu

(9) Chao ôi, đây quả thực là hình ảnh thơ giàu sức gợi, khiến người đọc không khỏi có những sự liên tưởng bất ngờ, độc đáo: là mây hay là chiếc khăn voan mỏng nhẹ, trắng tinh vắt ngang lưng trời; là nàng thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng, yêu kiều hay là chiếc cầu thời gian nối giữa hai mùa hạ - thu? (10) Với hình ảnh đám mây, tác giả đã hữu hình hoá một thứ vô hình, làm cho thời gian như ngưng đọng, hiện hình rõ nét một ranh giới mong manh mang tên cuối hạ - đầu thu. (11) Đây không phải lần đầu tiên một đám mây đẹp xuất hiện trong thơ Hữu Thỉnh, trong bài “Chiều sông Thương”, ông từng viết “Đám mây trên Việt Yên/ Rủ bóng về Bố Hạ” nhưng nếu đám mây Việt Yên “rủ bóng” qua hai miền không gian thì đám mây mùa hạ lại “vắt mình” qua hai miền thời gian, bởi lẽ đám mây ấy dường như còn bâng khuâng luyến lưu những ngày nắng hạ, lại bồi hồi muốn đón nhận sắc trời xanh biếc của mùa thu. (12) Ngòi bút thi sĩ miêu tả ba sự vật “sông”, “chim” và “đám mây” thì cả ba đều được nhân hoá qua các từ ngữ “dềnh dàng”, “vội vã”, “vắt nửa mình” khiến chúng trở nên sống động, có hồn, gần gũi với con người hơn và chứa chan cảm xúc, tâm trạng. (13) Điều đáng nói, nhà thơ nhìn sông mà biết sông thanh thản, nhìn chim mà biết chim vội vàng, nhìn mây mà biết mây nửa lưu luyến mùa hạ, nửa lại bồi hồi muốn bước sang thu, điều đó chứng tỏ rằng Hữu Thỉnh không chỉ có cảm nhận tinh tế mà còn có tình yêu thiên nhiên tha thiết, thi sĩ đắm mình thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên lúc giao mùa và nhờ thiên nhiên gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của một con người cũng vừa trải qua những năm tháng thanh xuân sôi nổi nay đã bước vào mùa thu của cuộc đời. (14) Về nghệ thuật, trong khổ thơ này, tác giả đã rất thành công khi sử dụng phép đối, nhân hóa, thể thơ năm chữ và ngôn ngữ thơ giàu giá trị gợi hình, gợi cảm. (15) Từ đó, khổ thơ đã thể hiện rõ nét những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trước những biến chuyển của thiên nhiên đất trời trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu.
 

Chú thích:

- Thành phần tình thái: dường như

- Từ ngữ thực hiên phép liên kết nối: “Từ đó”


Ban Truyền thông

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 5 đánh giá
Chia sẻ: