Đoạn văn tham khảo: Bi kịch của Vũ Nương

29/03/2023
Đề bài: Em hãy viết đoạn văn dài khoảng 12 câu lập luận theo cách diễn dịch để làm rõ bi kịch của nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ).

(1) Đọc “Chuyện người con gái Nam Xương”, người ta ấn tượng với vẻ đẹp phẩm chất của Vũ Nương bao nhiêu thì lại càng ám ảnh với nỗi bi kịch cuộc đời của nàng bấy nhiêu. (2) Vốn xuất thân “con kẻ khó”, Vũ Nương bước vào một cuộc hôn nhân không bình đẳng vì Trương Sinh chồng nàng “con nhà hào phú” nhưng điều đáng nói là chàng Trương lại có tính đa nghi “với vợ phòng ngừa quá sức”. (3) Cho dù Vũ Nương có cư xử khéo léo, chưa từng để vợ chồng thất hoà nhưng cái tính cách ấy của chàng Trương khiến người đọc cứ gờn gợn về một dấu hiệu của sự tan vỡ hạnh phúc gia đình. (4) Cuộc sum vầy hạnh phúc cũng chẳng được bao lâu thì vợ chồng nàng đã phải chia xa, “sinh ly” mà khác nào “tử biệt”, lại lúc nàng đương có mang sắp đến kì sinh nở. (5) Vậy là, trong những tháng ngày dài chồng đi biền biệt ngoài mặt trận, Vũ Nương thân gái một mình vừa sinh con, vừa chăm mẹ chồng ốm rồi lo ma chay tế lễ khi bà mất. (6) Nguyễn Dữ không kể và tả quá nhiều về những năm tháng xa chồng của Vũ Nương nhưng ta đều hiểu rõ nỗi cô đơn, sự đợi chờ mệt mỏi, vò võ của nàng trong những đêm dài đã tựa như hòn Vọng Phu hoá đá. (7) Những tưởng sau bao hi sinh vất vả ấy, khi chàng Trương trở về, nàng sẽ được bù đắp, sẽ tận hưởng niềm hạnh phúc tuyệt vời, ai ngờ đâu, đây mới là lúc bi kịch đời nàng thực sự bắt đầu. (8) Nàng bị nghi oan là thất tiết – một tội danh ê chề nhục nhã đối với người phụ nữ trong xã hội xưa, càng đau đớn hơn khi đầu mối gây ra nỗi oan ấy lại chính là người chồng nàng hết lòng chung thuỷ và đứa con thơ dại nàng hết lòng thương yêu. (9) Bao lời giãi bày, thanh minh của nàng; bao sự bênh vực của họ hàng làng xóm với nàng đều hoá vô nghĩa trước sự ghen tuông mù quáng của Trương Sinh, trong cơn giận dữ hồ đồ chàng không chỉ mắng nhiếc, sỉ nhục mà còn đánh đuổi nàng đi, bức nàng đến bước đường chẳng chốn dung thân. (10) Ôm theo nỗi oan khiên uất hận, nàng gieo mình xuống sông tự vẫn, ta đều hiểu rằng phải đau đớn cỡ nào, tuyệt vọng nhường nào thì một người phụ nữ hiền thục, nết na, yêu chồng thương con, khao khát hạnh phúc gia đình như Vũ Nương mới có hành động kiên trinh, quyết tuyệt đến thế! (11) Tuy đau thương và nước mắt đã hoà vào dòng Hoàng Giang nhưng tiếng xấu chưa tan, phải chăng vì thế mà dù được sống ở chốn thần tiên “làn mây cung nước”, Vũ Nương vẫn đau đáu nỗi lòng “tìm về có ngày” để được giải oan? (12) Cuối cùng, dù được chàng Trương lập đàn tràng giải oan, tẩy rửa hết những oan khiên tội nghiệt, nhưng trần âm cách biệt, nàng mãi mãi không thể trở về dương thế sum họp cùng chồng con và thực hiện cái hạnh phúc bình dị “nghi gia nghi thất” mà nàng hằng ao ước; phút giây gặp gỡ thoáng chốc ngắn ngủi cuối cùng cũng chẳng thể bù đắp được những nhớ thương chồng con, quê cũ của nàng. (13) Câu chuyện khép lại trong cảnh cờ tán võng lọng rực rỡ cả một khúc sông Hoàng Giang nhưng sao nỗi đắng cay cứ day dứt, vấn vương mãi trong lòng độc giả?

Ban Truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 9 đánh giá
Chia sẻ: