Tín hiệu báo thu về

14/04/2024

Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 12 - 15 câu) theo cách lập luận quy nạp để làm rõ cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trước những tín hiệu báo thu về. Trong đoạn văn có sử dụng thành phần tình thái và phép thế để liên kết câu (chú thích rõ thành phần tình thái và từ ngữ thực hiện phép liên kết thế).
 

Hương ổi bờ vườn

 

         (1) Đọc câu thơ mở đầu bài “Sang thu” của Hữu Thỉnh, ta có cảm giác như lạc vào một khu vườn râm mát nồng nàn hương ổi:

                                                                                 Bỗng nhận ra hương ổi

                                                                                 Phả vào trong gió se

(2) Chính nhà thơ cũng không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi bất chợt nhận ra mùi hương quen thuộc chốn vườn quê, điều đó được thể hiện rõ nét qua trợ từ “bỗng”. (3) Hương ổi ngọt ngào ấy “Phả vào trong gió se” – thứ gió khô và hơi lạnh chỉ thường xuất hiện lúc cuối hạ, đầu thu. (4) Từ “phả” thật hay và thật tài tình vì nó vừa gợi sự chuyển động của gió vừa gợi sự chuyển động của mùi hương trong không gian, hương ổi hoà quyện vào trong gió để gió đưa hương đi khắp nơi. (5) Không chỉ phát hiện ra sự xuất hiện của “hương ổi” và “gió se”, nhà thơ còn nhìn thấy cả làn sương trắng mỏng manh lãng đãng, giăng mắc khắp đường thôn ngõ xóm – một cảnh sắc thật lãng mạn và nên thơ:

                                                                                 Sương chùng chình qua ngõ

(6) Từ láy “chùng chình” diễn tả trạng thái cố ý chậm lại của sương đồng thời nhân hoá làn sương biến nó từ sự vật vô tri vô giác trở nên sống động, có hồn, gần gũi với con người; sương cũng đang chất chứa đầy tâm trạng: nửa lưu luyến mùa hạ, nửa bồi hồi muốn bước sang thu. (8) Dường như thấp thoáng sau cái dùng dằng, “chùng chình” của làn sương là cả nỗi niềm bâng khuâng của nhà thơ Hữu Thỉnh – một con người vừa bước vào độ tuổi chớm thu của cuộc đời. (9) Phải công nhận rằng, ngôn ngữ của khổ thơ rất giàu giá trị gợi hình, gợi cảm, vậy nên chỉ một từ “ngõ” cũng khiến người đọc có nhiều hình dung liên tưởng, “ngõ” vừa là đường đi lối lại vừa là cửa ngõ thời gian nối giữa hai mùa hạ – thu. (10) Trong khoảnh khắc giao mùa ấy, thiên nhiên đã có sự biến chuyển nhưng rất nhẹ, rất khẽ đến nỗi rõ ràng có “hương ổi” rồi đấy, có “gió se” rồi đấy, có cả sương thu nữa đấy, vậy mà nhà thơ vẫn mơ hồ chưa dám tin, chẳng dám cất tiếng reo ca “Đây mùa thu tới mùa thu tới” như Xuân Diệu mà chỉ khe khẽ thốt lên rằng:

                                                                                “Hình như thu đã về”

(11) Một từ “hình như” cũng đủ thấy sự do dự, chưa chắc chắn của nhà thơ, thu đã về hay chưa, không rõ nữa, chỉ biết rằng trong không gian nhỏ hẹp chốn vườn quê, hương ổi, gió se, sương thu đã ngập tràn. (12) “Sang thu” ra đời năm 1977, khi “mùa thu” đã trở thành đề tài quen thuộc trong thơ ca, nhưng cái đặc biệt của Hữu Thỉnh là ông không dùng những thi liệu của thơ thu truyền thống như “sen tàn, cúc nở”, “lá ngô đồng rụng”, “bầu trời xanh ngắt” v.v… mà lại vẽ nên bức tranh chớm thu từ những hình ảnh dung dị, gần gũi, thân thương như hương ổi, gió se, làn sương. (13) Và ông đã cảm nhận những tín hiệu báo thu ấy không chỉ bằng khứu giác, xúc giác, thị giác mà còn bằng cả tâm hồn tinh tế nhạy cảm và trái tim yêu thiên nhiên tha thiết. (14) Tóm lại, với thể thơ năm chữ, ngôn ngữ thơ gợi hình, gợi cảm và biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ đặc sắc, khổ thơ đầu bài “Sang thu” đã thể hiện rõ nét cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh trước những tín hiệu báo thu về.


Chú thích:

- Thành phần tình thái: dường như

- Từ ngữ thực hiên phép liên kết thế: “nhà thơ” ở câu (2) thế cho “Hữu Thỉnh” ở câu (1).

 

Ban Truyền thông

File đính kèm:
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 5/5 trong 3 đánh giá
Chia sẻ: