Tại sao thanh thiếu niên thường có thái độ bất hợp tác?

15/12/2020
Theo tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Emily Edlynn, bộ não của thanh thiếu niên chịu tác động của sự thay đổi nội tiết tố nên khó kiểm soát hành vi tiêu cực. Từ kinh nghiệm làm việc với trẻ em, tiến sĩ Emily Edlynn đưa ra lý do cho các hành vi, thái độ tiêu cực của thanh thiếu niên, đồng thời gợi ý cách giải quyết.

Trong một buổi tư vấn, tôi nhận được câu hỏi của người mẹ có hai con gái. Người mẹ cho biết cô út 14 tuổi thường có thái độ cáu kỉnh, bất hợp tác với phụ huynh ngay cả khi bố mẹ hỏi chuyện hay yêu cầu giúp đỡ. Con gái lớn không như vậy nên người mẹ tỏ ra lo lắng trước các hành vi của con út.

Tôi cho rằng nhiều phụ huynh cũng gặp tình huống tương tự bởi trẻ độ tuổi thiếu niên thường có những hành vi phức tạp, khó hiểu. Mỗi trẻ sẽ có lý do riêng, gắn với hoàn cảnh và môi trường sống. Tuy nhiên, tôi có thể nhóm lại một số lý do sau để giải thích cho hành vi bất hợp tác của các em.

Khó kiểm soát cảm xúc trong não bộ

Cảm xúc được nuôi dưỡng và phát triển trong hệ limbic (hệ viền) của não, nơi sẽ sáng lên khi chúng ta cảm thấy dễ chịu hay khó chịu. Các nghiên cứu đã chỉ ra với thanh thiếu niên, hệ thống này còn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, dẫn đến bùng nổ cảm xúc và gia tăng sự bốc đồng. Hãy tưởng tượng, khi ai đó yêu cầu làm một việc bạn không thích, sự khó chịu của bạn là một nhưng với trẻ điều đó tăng gấp ba.

Khi trưởng thành, chúng ta có khả năng kiểm soát xung đột, giúp hệ thống cảm xúc trong não không bị đẩy lên mức tiêu cực quá cao. Nhưng đối với thanh thiếu niên, điều này đòi hỏi các em phải nỗ lực gấp đôi. Do đó, trẻ độ tuổi này thường dễ cáu gắt, khó chịu và khó kiểm soát cảm xúc mỗi khi gặp sự việc không như ý.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Thử thách giới hạn

Chẳng hạn, khi bạn yêu cầu làm việc nhà, trẻ có thể nghĩ "Nếu mình phản ứng và không chịu làm, mẹ sẽ nhượng bộ và không yêu cầu nữa". Đứa con 6 tuổi của tôi, dù chưa bước vào độ tuổi thiếu niên, nhưng bắt đầu có hành vi này.

Ngoài ra, thanh thiếu niên thường tự cho mình cơ hội để thử thách giới hạn bản thân, thường là về sự nổi loạn. Các em tò mò "không biết bố mẹ sẽ cho phép mình ở mức nào" và cứ thế tiếp tục thử. Việc này có thể gia tăng khi đứa trẻ kết bạn với những người không tốt, không có sự đồng hành của bố mẹ.

Bạn là nơi trẻ cảm thấy an toàn

Nhìn ở một khía cạnh, lý do này có vẻ tích cực. Đôi khi, trẻ gặp quá nhiều bực bội, khó chịu tại trường lớp, câu lạc bộ hay trong mối quan hệ với bạn bè. Các em không có nơi nào đủ tin tưởng, cảm thấy an toàn để giải tỏa những thứ tiêu cực bên trong mình nên thay vì tâm sự với bố mẹ, thanh thiếu niên lại chọn cách trút giận. Sở dĩ, các em biết bố mẹ yêu thương mình nên sẽ không quay lưng.

Ngoài ra, trong cuốn sách bán chạy về nuôi dạy con cái độ tuổi thanh thiếu niên của Lisa Damour, nữ tác giả cho rằng trẻ thấy an toàn khi trình bày quan điểm và đấu tranh trong những cuộc tranh luận với bố mẹ. Các em nghĩ mình có thể làm như vậy mà không mất đi tình yêu và sự ủng hộ của bạn. Vì vậy, trớ trêu thay, việc thanh thiếu niên có thái độ bất hợp tác lại cho thấy các em tin tưởng và hiểu mình được bạn yêu thương như thế nào.

Cách xử lý

Bạn hiểu lý do thanh thiếu niên hành xử không tốt nhưng không vì thế mà dung túng. Bạn vẫn cần đặt giới hạn cho các hành vi này. Thanh thiếu niên thường được so sánh với trẻ mới biết đi về bản chất của cảm xúc với nhiều thay đổi của não bộ.

Bạn nên bắt đầu bằng cuộc trò chuyện khi cả hai đang bình tĩnh để nói về các hành vi xấu của trẻ, đồng thời nhấn mạnh vào hậu quả. Bạn cũng cần gợi ý một số cách để trẻ thể hiện được cảm xúc của mình nhưng vẫn giữ được thái độ đúng mực với người lớn. Việc gọi tên cảm xúc và mô tả lại sự việc khiến trẻ cảm thấy bình tĩnh hơn. Bạn cũng nên cùng trẻ lập danh sách hoạt động để giải tỏa căng thẳng như chạy bộ, nghe nhạc hoặc lên kế hoạch đi chơi cuối tuần.

Bạn tuyệt đối không được coi những thứ trẻ gặp phải chỉ là "chuyện trẻ con" và không để tâm, lấy những câu chuyện ngày xưa để cho rằng mình cũng vượt qua được, tại sao trẻ lại không. Cuộc sống mỗi giai đoạn một khác và bạn cần hiểu trẻ đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, cám dỗ của cuộc sống hiện tại.

Trường hợp những cảm xúc tiêu cực của trẻ độ tuổi thanh thiếu niên khiến các em đảo lộn thói quen sinh hoạt, chán ăn, mất ngủ và hay suy nghĩ, lời nói tiêu cực, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ tâm lý, tránh trở thành trầm cảm.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: