Nhân vật nữ trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân (Phần II)

07/06/2021
Không đặt tên riêng cho nhân vật, nhà văn dường như muốn xây dựng họ trở thành những con người thầm lặng. Họ thầm lặng từ tên gọi, lai lịch đến cuộc đời để rồi bất ngờ bộc lộ tình cảm, tính cách. Tính bất ngờ của diễn biến truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật nhờ đó được thực hiện. Các giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm cũng từ đó được thể hiện một cách độc đáo, ấn tượng. 

Người vợ

Đối lập với hình ảnh mụ chủ nhà là nhân vật bà Hai hiền hậu, vợ của ông Hai. Tuy xuất hiện trong chốc lát nhưng nhà văn Kim Lân đã xây dựng thành công nhân vật bà Hai với tổng hòa những nét phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Bà là người sắt son, chung thủy, hy sinh, tần tảo vì gia đình. Công việc của bà là bán hàng rong. Trong gia đình, bà Hai là một người vợ, người mẹ đảm đang, chịu đựng, nhẫn nhục.

Bà Hai cũng là người hiểu và đồng cảm với tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc. Vì vậy lúc nói chuyện với chồng, bà luôn dùng những lời lẽ rất nhẹ nhàng, tế nhị. Có thể thấy, nhân vật này có những phẩm chất giống với bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt. Họ đều là những người phụ nữ đôn hậu, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chồng con trong những lúc cuộc sống bế tắc nhất.

Với 7 lời thoại, bà Hai đều nói những câu nói ngắn, lấp lửngcùng giọng nói thủ thỉ như muốn lắng nghe, sẻ chia nhiều hơn cùng chồng: “Này, thầy nó ạ”; “Thầy nó ngủ rồi à”; “Tôi thấy người ta đồn…”; “Thầy nó ngủ rồi ư? Dậy tôi bảo cái này đã”. Khi nói chuyện với mụ chủ nhà, bà Hai cũng hết sức từ tốn: “Vâng… thôi thì dân làng đã chả cho ở nữa, chúng tôi đành phải đi nơi khác chứ biết làm thế nào. Nhưng xin ông bà trên ấy nghĩ lại thư thư cho vợ chồng chúng tôi vài ba hôm nữa. Bây giờ bảo đi, vợ chồng chúng tôi cũng không biết là đi đâu”. Hơn thế nữa, qua các lời thoại, từng suy nghĩ, cảm xúc của bà Hai, chúng ta còn thấy người phụ nữ này lòng tự trọng rất cao.

Bà Hai cũng là một người yêu cái làng chợ Dầu, yêu Cụ Hồ, yêu cách mạng không kém gì ông Hai. Tâm trạng bà lão cũng chuyển biến rõ rệt. Không như ngày thường, ngày nghe tin sai sự thật, bà đã “bước từng bước uể oải, cái mặt cúi xuống bần thần. Đôi quang thúng thõng thẹo trên hai mấu đòn gánh. Bà đi thẳng vào trong nhà lúi húi xếp hàng vào một xó, rồi lẳng lặng ra bậc cửa ngồi ôm má nghĩ ngợi”. Bà Hai dù không thể hiện sự tự hào về quê hương ra bên ngoài như ông Hai nhưng tận đáy lòng bà vẫn luôn theo dõi những tin tức về làng chợ Dầu. Bà đau cùng nỗi đau của của quê hương. Bài Hai là một hình tượng đẹp về người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng con, một người phụ nữ một lòng yêu quê, yêu nước, tin tưởng vào cách mạng mà nhà văn Kim Lân đã xây dựng thành công trong tác phẩm của mình.

Đứa con gái lớn

Người thừa kế những phẩm chất tốt đẹp của bà Hai không ai khác là đứa con gái lớn của bà.

Nhân vật đứa con gái lớn này tác giả cũng không cung cấp cho người đọc bất kì thông tin gì về tuổi tác, tên gọi. Nhưng qua tác phẩm, ta biết được đây là một cô gái rất đảm đang, giàu tình cảm. Trong truyện, nhân vật  đứa con gái lớn không có lời thoại nào. Cô chỉ được nhắc đến qua hai câu: “Đứa con gái lớn gồng đôi thúng không bước vào”; “Mụ chủ nhà đi rồi, bà Hai và con bé lớn nước mắt ròng ròng, lẳng lặng gánh hàng ra quán”. Cô cũng giỏi giang như mẹ của mình. Khi ông bà Hai vắng nhà, cô đã biết lo toan việc nhà, chăm nom em. Cô còn biết phụ mẹ buôn bán, kiếm tiền. Cô đã biết đau khổ và khóc khi biết tin làng theo giặc, nghe những lời mỉa mai của mụ chủ nhà. Cô con gái lớn cũng giống như ông bà Hai, cũng giàu lòng tự trọng, biết yêu gia đình, yêu quê hương, biết tủi nhục khi làng bị mang tiếng Việt gian. Nhân vật này không được miêu tả nhiều nhưng dòng “nước mắt ròng ròng” của cô chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng cùng tình cảm sâu đậm trong lòng độc giả.

Làng là tác phẩm rất thành công của nhà văn Kim Lân trên nhiều phương diện, trong đó có nghệ thuật xây dựng nhân vật. Bên cạnh nhân vật nam chính, các nhân vật nữ được nhà văn khắc họa ở những mực độ khác nhau nhưng đều để lại những ấn tượng khó quên. Họ tuy khác nhau về lai lịch, ngôn ngữ, tính cách nhưng đều có chung một phẩm chất yêu nước, căm thù giặc và bọn bán nước, tin tưởng vào cụ Hồ và cách mạng. Đó là những nhân vật nữ thành công mà nhà văn Kim Lân đóng góp vào văn học hiện đại Việt Nam.


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: