Nhân vật nữ trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân (Phần I)

07/06/2021
Làng là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Kim Lân, được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 9.

Lâu nay, khi phân tích, bình giải tác phẩm Làng, hầu như chúng ta chỉ tập trung vào nhân vật nam trung tâm là ông Hai. Tuy nhiên, trong truyện, tác giả còn rất thành công khi xây dựng hình tượng các nhân vật nữ. Đây là các nhân vật quy tụ nhiều giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm mà việc cắt nghĩa, lí giải sẽ đem đến những khám phá mới mẻ, thú vị khi  thưởng thức cũng như hoạt động dạy và học tác phẩm này.

Đi theo chiều dọc của tác phẩm Làng, nhân vật nữ gồm có những người đàn bà ở Gia Lâm, mụ chủ nhà, bà Hai, đứa con gái lớn. Các nhân vật này đều không có tên tuổi cụ thể. Đến sau này, khi tác phẩm Vợ nhặt ra đời, chúng ta cũng một lần nữa gặp lại những người đàn bà không tên riêng như: thị, bà cụ Tứ. Một số nhân vật có tên gọi như bà Hai, bà cụ Tứ thì đó cũng không phải là tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho mà là tên gọi theo chồng. Điều này phản ánh phần nào cách gọi tên người phụ nữ trong xã hội Việt Nam trước đây.

Nhưng quan trọng hơn, đây còn là một dụng ý nghệ thuật khi xây dựng các nhân vật nữ của tác giả. Không đặt tên riêng cho nhân vật, nhà văn dường như muốn xây dựng họ trở thành những con người thầm lặng. Họ thầm lặng từ tên gọi, lai lịch đến cuộc đời để rồi bất ngờ bộc lộ tình cảm, tính cách. Tính bất ngờ của diễn biến truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật nhờ đó được thực hiện. Các giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm cũng từ đó được thể hiện một cách độc đáo, ấn tượng.

Những người đàn bà ở Gia Lâm lên

Tuy không tên không tuổi nhưng các nhân vật nữ lại có sự ảnh hưởng lớn đến lời nói, hành động, suy nghĩ, tính cách của nhân vật chính. Trong tác phẩm, những người phụ nữ làm ông Hai đau khổ trước tiên là những người đàn bà ở Gia Lâm lên. Họ đã cắt đứt nguồn cảm hứng tự hào về quê hương của ông Hai. Khi ông Hai hỏi thăm tình hình Chợ Dầu, người phụ nữ cho con bú đã trả lời: “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa”. Lời nói cộng thái độ khinh miệt của người đàn bà ấy đã chấm dứt phút giây sảng khoái, yêu đời, tự hào về làng trước đó của ông Hai. Giờ đây “cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”.

Rõ ràng, xuất hiện thoáng qua rồi vụt biến mất nhưng các nhân vật nữ này lại giữ vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức truyện.Với nhiệm vụ đưa tin, họ là những mấu chốt của tình huống truyện có vai trò làm thay đổi hoàn toàn diễn biến truyện cũng như tâm lí của nhân vật chính. Hơn nữa, dù chỉ xuất hiện một lần nhưng qua thái độ trong lời nói của những người phụ nữ từ Gia Lâm lên này, ta thấy rõ trong họ sự căm giận, khinh thường bọn Việt gian bán nước. Đây chính là những nhân vật đầu tiên trong thủ pháp tạo tính bất ngờ như trên đã nói của tác giả Kim Lân. 

Mụ chủ nhà

Một trong những nhân vật không chỉ ảnh hưởng mà còn trở thành nỗi ám ảnh với ông Hai đó là mụ chủ nhà của ông. Mụ luôn thích làm khổ ông Hai với những “câu nói bóng gió xa xôi, khía vào thịt ông lão”.

Chỉ trong 6 lời thoại, nhà văn Kim Lân đã khắc họa hình ảnh mụ chủ nhà “phảng phất những nét tham lam tai ác của những nhân vật đàn bà nông thôn trước Cách mạng tháng Tám trong truyện ngắn của Nam Cao” (Nhà văn trong nhà trường - Kim Lân, Hoài Việt biên soạn, NXB Giáodục, 1999, tr.48). Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói khổ, người phụ nữ phải gồng gánh, bằng mọi cách phải nuôi sống được gia đình. Dần dần họ trở nên ích kỉ, chao chát với đời và với những người xung quanh mình. Ta hẳn chưa quên lời biện minh của ông giáo về hành động toan tính, nhỏ nhặt của vợ mình trong tác phẩm Lão Hạc của nhà văn Nam Cao: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta quá khổ thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi buồn đau, ích kỷ che lấp mất”.

Mụ chủ nhà của ông Hai cũng như vậy. Thế nhưng, khi nghe được tin cải chính rằng làng Chợ Dầu không theo giặc thì mà mụ cũng vui sướng, niềm nở, hạnh phúc không kém gì ông Hai. Tâm trạng ấy thể hiện rõ trong lời nói của mụ: “A, thế chứ! Thế mà tớ cứ tưởng dưới nhà đi Việt gian thật, tớ ghét ghê ấy… Thôi, bây giờ thì ông bà lại cứ ở tự nhiên ai bảo sao. Ăn nhiều chứ ở hết là bao nhiêu”. Đây là lần đầu tiên mụ thân mật thật sự với gia đình ông Hai.

Bỏ qua những tủn mủn ngày thường, người đọc có thể thấy tận sâu bên trong bản chất người đàn bà này không phải là người chua chát như vẻ bên ngoài. Trái lại, người phụ nữ này cũng là người hết lòng yêu nước, yêu quê hương, có niềm tin kiên định vào ngày thắng lợi của cách mạng. Không khó để nhận ra điều này qua sự thay đổi về ngôn ngữ, thái độ đến tình cảm ở nhân vật. Có thể nói, nhân vật mụ chủ nhà là một bất ngờ độc đáo của tác phẩm. Đây có thể xem là một trong những nhân vật nữ thành công nhất của truyện ngắn Kim Lân.

 


Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: