Trang chủ Giới thiệu Tiểu sử Mạc Đĩnh Chi

Từ cậu bé đốn củi thành Lưỡng quốc Trạng nguyên

12/11/2014
Từ nghèo khó, với nghị lực phi thường cùng tư chất thông minh, Mạc Đĩnh Chi - cậu bé đốn củi đã trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên của hai quốc gia là Đại Việt và Trung Quốc (thời nhà Nguyên).
    
      Mạc Đĩnh Chi mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo, hai mẹ con phải vào rừng sâu kiếm củi sống qua ngày. Trong những năm tháng nhọc nhằn ấy, mẹ cậu luôn chịu đựng, chỉ ao ước con mình sẽ có ngày đỗ đạt để giúp ích cho đời, thoát khỏi cảnh nghèo.
     Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi ra sức học tập. Cậu bé sớm nhận ra rằng chỉ có học tập, thành tài mới thoát khỏi cảnh nghèo khổ và cũng là để thể hiện phẩm chất thanh cao của mình. Vì vậy, cậu không ngừng đọc sách, kể cả lúc vai gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn, cậu cố học nhiều cuốn sách quý. Không có tiền mua nến để đọc sách, thì cậu đốt củi, hết củi thì lấy lá rừng đốt lên mà học. Tuy gian khổ, nhưng cậu không hề nản chí. Với nghị lực phi thường, cộng với trí thông minh trác việt, nên chẳng bao lâu cậu đã nổi tiếng là thần đồng.
      Năm 1304 đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi lấy 44 người đỗ Thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên. Như vậy, cậu bé đốn củi ngày nào giờ đã thành trạng nguyên nước Đại Việt.
      Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi đi sứ sang nhà Nguyên, vẻ ngoài xấu xí của ông khiến quan lại phương Bắc không ít lần tỏ ý khinh thường. Tuy nhiên, tài trí của ông đã khiến họ phải ngả mũ kính phục.
                                                                                                
Nhân có nước dâng chiếc quạt, vua Nguyên bắt sứ thần Đại Việt  và sứ thần Triều Tiên đề thơ. Giữa lúc Mạc Đĩnh Chi còn tìm tứ thơ, thì sứ Triều Tiên đã viết liến thoắng. Ông nhìn theo quản bút đọc thấy sứ Triều Tiên viết hai câu chữ Hán, dịch nghĩa như sau:
        "Nóng nực oi ả, thì như Y Doãn, Chu Công" (là những người được vua trọng dụng)
        "Rét buốt lạnh lùng, thì như Bá Di, Thúc Tề" (là những người bị ruồng bỏ)
Với sự nhanh trí kì lạ, ông liền phát triển 2câu thơ trên thành 1bài tả chiếc quạt:
                 Lưu kim trước thạch, thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thì hề, Y Chu cự nho.
                 Bắc phong kỳ lương, vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thì hề, Di Tề ngạ phu.
                 Y! dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ, hữu như thị phù.
          Dịch nghĩa:
                Chảy vàng, tan đá, trời đất như lò, ngươi bấy giờ là Y Chu đại nho.
                Gió bấc căm căm, mưa tuyết mịt mù, ngươi bấy giờ là Di Tề đói xo.
                Ôi, được dùng thì làm, bỏ thì nằm co, chỉ ta cùng ngươi là thế ru !
     Bài của Mạc Đĩnh Chi làm xong trước, ý sắc sảo, văn lại hay, nên vua Nguyên xem xong cứ gật gù khen mãi. Càng cảm phục tài và đức của Mạc Đĩnh Chi nên vua Nguyên phong ông là "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (trạng nguyên của hai nước).
     Ngày nay để tưởng nhớ công lao của ông, nhiều nơi trong cả nước có đường phố, trường học mang tên Mạc Đĩnh Chi. Trường ta vinh dự được mang tên ông, đây là niềm tự hào song cũng là trách nhiệm lớn lao với thầy trò ta khi phải nối tiếp được truyền thống hiếu học, nghị lực, phẩm chất thanh cao vì nước vì dân của cậu bé đốn củi -  Lưỡng quốc trạng nguyên này !

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 0/5 trong 0 đánh giá
Chia sẻ: