Trang chủ Trang chủ

Thành công của các tiết dạy tham dự Hội thi Giáo viên giỏi cấp Quận môn GDCD, Địa lí và Giáo dục Thể chất của trường THCS Mạc Đĩnh Chi

18/03/2024
Diễn ra vào sáng 15/03, tiết dạy của các cô giáo Thanh Tuyền (môn GDCD lớp 6), cô giáo Hải Yến (phân môn Địa lí lớp 7) và thầy Văn Hoàng (môn GD Thể chất lớp 7) đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các con học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ và nhiều lời khen ngợi từ Ban giám khảo Hội thi.

 

 

Các thầy cô giáo của THCS Mạc Đĩnh Chi tham dự, chuẩn bị cho Hội thi
 

Cô giáo Thanh Tuyền mở đầu Hội thi với tiết dạy GDCD 6 với chủ đề “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ấn tượng đẹp đầu tiên trong lòng người dự là sự xuất hiện của một cô giáo trẻ trung, xinh đẹp cùng tà áo dài xanh duyên dáng, dịu dàng và đầy thướt tha. Xuyên suốt tiết dạy, lời giảng nhẹ nhàng, truyền cảm và tài dẫn dắt khéo léo, có trọng tâm cũng là một điểm cộng đáng mến về cô giáo nhiều năng lượng yêu thương này.
 

Thành công nhất của cô giáo là đã tổ chức nhịp nhàng, đa dạng các hoạt động dạy học nhằm phát huy được sự tích cực, năng động của người học. Nhờ vậy, cô đã linh hoạt dẫn dắt người học và người dự đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác:
 


Ở hoạt động đầu tiên, bằng phương pháp trực quan sinh động, cô giáo đã vắn tắt giúp học trò tìm hiểu khái niệm công dân và làm rõ được căn cứ để xác định công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là yếu tố “quốc tịch”. Đây là thuật ngữ chỉ mối quan hệ của người dân với Nhà nước, với tư cách là một công dân.
 

Sang đến trải nghiệm “Chọn tranh”, các con nhận thức sâu sắc được rằng khi mang quốc tịch quốc gia nào đó, đặc biệt là quốc tịch Việt Nam, bản thân ta sẽ được thụ hưởng quyền lợi và đồng thời có những nghĩa vụ, bổn phận với đất nước mà Hiến pháp quy định.
 

Thú vị hơn cả là tới phần hai của tiết học, sau ít phút cho các con có khoảng tĩnh lặng để tự nghiên cứu bài học, với ba tình huống giả định, cô giáo gợi mở để các con học sinh được trải nghiệm trong ba bối cảnh khác nhau để vào vai xử lí các tình huống khó. Từ đó, các con được khắc sâu thêm căn cứ để xác định công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 


Khép lại tiết học đáng nhớ, các trò 6A8 như vỡ òa vì bất ngờ và rưng rưng xúc động khi qua trò chơi “Đi tìm người bí ẩn” được biết tới câu chuyện cuộc đời của hai người nổi tiếng: Harriwon và Nguyễn Fillip. Hình ảnh về họ với biết bao nỗ lực, cống hiến để được vinh dự trở thành công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam càng khiến mỗi người Việt Nam ngồi học, ngồi dự thấy trân quý, tự hào về quê hương, đất nước mình.
 

Cô giáo Thanh Tuyền cùng Ban giám khảo, các thầy cô giáo và học sinh lớp 6A8 THCS Nguyễn Công Trứ chụp ảnh lưu niệm sau tiết dạy
 

Như vậy, tiết dạy GDCD của THCS Mạc Đĩnh Chi đi từ lí thuyết đến thực hành vận dụng, từ quy luật nhận thức đến quy luật tình cảm, từ câu chuyện pháp luật đến niềm tự hào dân tộc…Tình cảm và tài năng sư phạm hội tụ đã giúp cô giáo trẻ tỏa sáng và chạm tới trái tim bao người học, người dự. Chúc cô giáo trẻ sẽ luôn đẹp xinh, yêu đời, yêu trò để có thêm nhiều tiết dạy ấm áp và giá trị!
 

Cô giáo Hải Yến góp tới Hội thi tiết dạy thứ hai của THCS Mạc Đĩnh Chi với bài dạy “Đặc điểm dân cư, xã hội và phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên ở Ô-xtrây-li-a” trong chương trình Địa lí – Lịch sử lớp 7. Có thể nói, bằng nhiều hoạt động dạy học tích cực, sáng tạo cô giáo ban đầu đã thành công khi khơi dậy đam mê khám phá chân trời thế giới tự nhiên mới mẻ cho con trẻ.
 

Một trong những dấu ấn đầu tiên của cô giáo là ở phần khởi động đầu giờ, với clip sinh động tái hiện về lục địa Ô-xtrây-li-a đã tạo được tâm lí hào hứng và sự tập trung cần thiết để các con đến với tiết học.
 

Theo đó, thiên nhiên đất nước Ô-xtrây-li-a xa xôi qua trang sách và bài giảng của cô thật gần gũi với nổi bật ba tài nguyên đất, nước và khoáng sản. Đáng chú ý là thế mạnh, hạn chế cùng phương thức sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước được các con nhận biết, tái hiện qua hoạt động nhóm “Điền từ khóa” thật sôi nổi.

Học sinh lớp 7 tự tin tương tác cùng cô giáo và các bạn để khám phá bài học
 

Phương pháp trực quan với việc giới thiệu cho học trò thấy người Ô-xtrây-li-a tích trữ và tiết kiệm nước, thậm chí khử muối biển làm nước sản xuất, sinh hoạt thật đáng học hỏi. Khoáng sản có thể coi là nguồn tài nguyên giá trị nhất của người Ô-xtrây-li-a, ấy vậy mà qua trò chơi “Ong non tìm chữ”, học trò lại được cùng nhau biết rằng đất nước này lại rất kiệm tài nguyên, minh chứng là họ luôn cố gắng sử dụng hợp lí để môi trường tự nhiên bền vững cùng sự phát triển kinh tế hùng cường của quốc gia.
 

Hệ thống các câu hỏi hợp lí và chặt chẽ, giàu tính khoa học và có ý nghĩa thực tiễn, phù hợp với lứa tuổi cấp học THCS cũng là điểm nhấn đáng ghi nhận ở tiết dạy này.
 


Phương pháp sắm vai tái hiện lại tình huống thực tiễn càng có sức hút hơn với người dự. Ba câu hỏi có tính thử thách với dụng ý củng cố, mở rộng vấn đề càng khiến học sinh được kích thích tư duy và mở mang tầm nhìn trước tiềm năng và hạn chế của điều kiện tự nhiên ở xứ sở chuột túi này.
 


Kết lại, ngoài mạch kiến thức và chú trọng phát triển năng lực học sinh qua các hoạt động, cô giáo còn sâu sắc cho học sinh thấy thêm một triết lí nhân sinh rằng: bất kì sự phát triển kinh tế xã hội nào cũng đều dựa trên nền tảng tự nhiên nhất định. Thế nên, muốn phát triển bền vững thì không thể không chú ý khai thác hợp lí các yếu tố tự nhiên này. Đó không chỉ là quy luật của thế giới tự nhiên mà còn là quy luật của đời sống con người.
 

Cô giáo Hải Yến rạng rỡ cùng HS lớp 7 THCS Nguyễn Con Trứ chụp ảnh lưu niệm tại Hội thi
 

Thầy giáo Lê Văn Hoàng khép lại tiết dạy thứ ba của THCS Mạc Đĩnh Chi với bài “Ôn tập kĩ thuật phát cầu thuận tay” (tiết 5). Từ lâu, môn học Giáo dục Thể chất luôn được học sinh hân hoan mong chờ sau những giờ học văn hóa khá căng thẳng, vì thế, được tham gia tiết học ngoài trời, đặc biệt được tái hiện và củng cố về kĩ thuật phát cầu lông càng khiến các con hứng thú, thư thái.
 

Học sinh tham gia hào hứng khởi động trước khi tập cầu
 

Điều giá trị của tiết dạy, là qua quan sát video, hình ảnh, thảo luận nhóm kết hợp với phân tích của giáo viên, học sinh được ôn tập, củng cố tốt hơn về kĩ thuật phát cầu thuận tay đường cầu cao sâu. Từ tư thế chuẩn bị, vận động của cá nhân đến hoạt động nhóm đồng loạt đều giúp các con củng cố kĩ năng này khi chơi cầu lông.
 

Ngoài ra, để mô phỏng động tác phát cầu thuận tay, thầy giáo còn năng động tổ chức trò chơi “Ném cầu trúng đích” nhằm mục đích tạo hứng thù và linh hoạt vận dụng được kĩ thuật phát cầu thuận tay đường cầu cao sâu vào trò chơi, giữa các thành viên trong đội. Nhờ đó, kĩ năng được nâng cao, tình cảm bạn bè và thầy trò càng thêm gắn bó.
 

Thầy Văn Hoàng chan hòa cùng các thầy cô và các con HS lớp 7 chụp ảnh lưu niệm tại Hội thi
 

Tựu trung lại, ba thầy cô với ba môn học khác nhau, ba phong cách khác nhau,…nhưng đều đại diện cho thế hệ giáo viên trẻ trung, nhiệt huyết và sáng tạo của trường THCS Mạc Đĩnh Chi tham dự Hội thi. Đây thực sự là hội vui, là cơ hội để tập thể anh chị em giáo viên quận Ba Đình được sinh hoạt chuyên môn. Cùng chúc cho các thầy cô Mạc Đĩnh Chi nói riêng và giáo viên toàn quận Ba Đình sẽ đạt kết quả tốt, luôn tỏa sáng và mãi là niềm tự hào của các nhà trường với tinh thần học tập suốt đời và lao động mê say!

Ban Truyền thông
Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 4/5 trong 4 đánh giá
Chia sẻ: